Theo CNN, lễ hội Hadaka Matsuri được tổ chức hàng năm vào ngày thứ 7 thứ ba của tháng 2, diễn ra tại ngôi đền Saidaiji Kannonin, gần thành phố Okayama.
Khoảng 10.000 người tham gia lễ hội đều là nam giới, tất cả chỉ mặc một chiếc khố và đi tất màu trắng, bên cạnh một tấm băng trên đầu.
Ý nghĩa của lễ hội này là để cầu mong một vụ mùa bội thu, kết hợp với việc tôn vinh sự sinh sản. Một phần của lễ hội được tổ chức dành riêng cho các bé trai, với hy vọng truyền thống sẽ được tiếp nối trong tương lai.
Đến tối, sự kiện chính của lễ hội sẽ diễn ra, những người đàn ông khỏe mạnh sẽ chạy vòng quanh sân đền trong suốt 2 giờ đồng hồ, trước khi nhảy xuống một hồ nước lạnh giá để "thanh lọc" bản thân, và cuối cùng tất cả sẽ chen chúc vào gian chính của ngôi đền.
Những người đàn ông phải đi qua một bể nước lạnh để thanh lọc bản thân trước khi vào tranh cướp lễ vật. Ảnh: Getty. |
Khi đèn tắt vào lúc 10 giờ tối, một nhà sư sẽ ném 100 bó củi và 2 thanh shingi dài 20 cm xuống đám đông những người đàn ông đang chen chúc. Và đó là lúc phần sôi động nhất của lễ hội sẽ bắt đầu.
Đám đông sẽ tranh cướp những vật phẩm này. Người nào nắm phần thưởng trong tay được tin là sẽ có một năm thành công và nhiều may mắn.
Nam giới sẽ tranh cướp mạnh mẽ hơn cho 2 thanh shingi, vì người nào có được chúng sẽ có thể mang về nhà. Toàn bộ hoạt động này sẽ gói gọn trong 30 phút, nhưng sự tranh cướp là rất kịch tính và khốc liệt. Nhiều người sẽ gặp các chấn thương ngoài da, cũng như bị bầm dập hay thậm chí là trật khớp.
Lễ hội Hadaka Matsuri nổi tiếng trên toàn quốc vì vậy nó thu hút nam giới từ khắp nơi trên đất nước, các nhân viên của một công ty cũng có thể tham gia theo đội.
Lễ hội bắt đầu cách đây 500 năm, khi những người dân làng tranh nhau lấy bùa giấy được phát ra từ đền Saidaiji Kannonin. Ngày càng có nhiều người từ khắp nơi muốn có những lá bùa may mắn đó, khiến cho lễ hội trở nên lớn và đông đúc hơn. Mọi người bắt đầu nhận ra lá bùa giấy có thể bị rách - điều cũng xảy ra với quần áo họ trong quá trình tranh cướp - và đổi chúng bằng các vật phẩm từ gỗ.
Với lịch sử lâu đời, lễ hội đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể vào năm 2016.