Khu Bantar Gebang ở thành phố Bekasi nằm cách thủ đô Jakarta khoảng 32 km về phía đông. |
Diện tích bãi rác này lớn hơn cả tổng kích thước của 200 sân bóng đá chuyên nghiệp. Bantar Gebang mỗi ngày nhận khoảng 7.000 tấn chất thải từ Jakarta đổ về. |
Những ngọn núi rác đã xuất hiện tại Bantar Gebang từ hơn 30 năm trước. Theo các nguồn tin địa phương, khoảng 20.000 người dân quanh đây có thu nhập chính từ việc nhặt rác. |
Hàng trăm người "leo núi" mỗi ngày để tìm kiếm kim loại, bìa cứng, nhựa, gỗ hoặc các vật liệu tái chế khác. Thậm chí họ còn nhặt cả xương động vật để bán cho những nhà sản xuất đồ trang sức. |
Hiện nay, nhiều người được trang bị các công cụ nhặt rác bằng kim loại để tránh gây thương tổn cho tay. Với thu nhập khoảng 2-10 USD mỗi ngày, một số người đã bỏ hẳn nghề nông. |
Các gia đình nhặt rác ở Bantar Gebang sống trong những túp lều tạm bợ. Một số người đến đây để bán cà phê, thực phẩm, và cả thuốc lá cho những gia đình này. |
Chính quyền địa phương cho biết nhiều đứa trẻ không có bất kỳ lựa chọn nào khác ngoài việc giúp gia đình đi thu thập rác thải. |
Người dân ở đây phải chịu đựng vô vàn khó khăn như nguy cơ mắc bệnh lao, sán dây, thiếu vitamin. Thậm chí việc các núi rác sạt lở cũng gây nguy hiểm đến tính mạng. Những nguồn nước ngầm xung quanh đã bị ô nhiễm nặng nề. |
Mùi hôi thối là một vấn đề vô cùng nan giải. Nhiều người nhặt rác không thể đi đâu khác vì bị chế giễu và kỳ thị do mùi hôi bốc lên từ quần áo của họ. |
Bất chấp những hiểm nguy tại các núi rác này, công việc tìm kiếm phế liệu liên tục thu hút nhiều gia đình nghèo và các lao động tay nghề thấp. |
Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến đời sống tại Bantar Gebang càng thêm khó khăn. |
Tuy hiện nhiều gia đình phải ngưng làm việc để hạn chế sự lây lan của virus corona, hàng nghìn tấn rác thải vẫn đổ về đây mỗi ngày, khiến các ngọn núi rác càng thêm chồng chất. |