Trao đổi với Zing chiều 6/9, ông Lê Ngọc Thạnh, Trưởng chi nhánh Fahasa TP Đà Nẵng, cho biết đơn vị đang có khoảng 1.000 đơn sách giáo khoa, dụng cụ học tập chưa được vận chuyển đến khách hàng.
"Hiện tại, 3 nhà sách ở quận Thanh Khê, Hải Châu bán trên trang web khoảng 1.000 đơn hàng nhưng không giao được vì UBND TP Đà Nẵng chưa cho các nhà sách hoạt động", ông Thạnh nói.
Fahasa đã kiến nghị Sở GD&ĐT Đà Nẵng và được trả lời phải chờ đợi quyết định cho phép hoạt động của UBND thành phố.
Hàng nghìn đơn sách tại TP Đà Nẵng bị tồn đọng vì dịch Covid-19. Ảnh minh họa: H.Q. |
"Đa số phụ huynh nôn nóng có sách mới cho con em được sớm tiếp cận, đặc biệt ở bậc đầu cấp như lớp 6. Tuy nhiên, vì chưa giao hàng được, chúng tôi đành dựa vào văn bản của Sở GD&ĐT để giải thích", ông Thạnh nói và cho biết thêm có khách hàng không chờ đợi được, đã gọi điện thoại hủy đơn hàng.
Đơn vị này mong muốn được TP Đà Nẵng cho phép 30% nhân sự được hoạt động tại chỗ để sẵn sàng giao cho khách khi việc hoạt động thông suốt.
Ông Nguyễn Văn Cần, Giám đốc Công ty sách, thiết bị trường học Đà Nẵng, cho biết từ sáng 6/9, ông nhận được hàng trăm cuộc gọi điện thoại, tin nhắn từ khách hàng hối thúc việc giao sách.
"Khoảng tháng nay, chúng tôi nhận được gần 2.000 đơn sách của khách hàng ở 6 quận, huyện nhưng đều phải ngưng lại. Chỉ trong tuần này, chúng tôi bị hủy gần 500 đơn hàng do không vận chuyển, giao hàng được”, ông Cần nói.
Sáng 6/9, lãnh đạo Công ty sách, thiết bị trường học Đà Nẵng đã làm văn bản gửi Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, kiến nghị can thiệp để có thể cho 30% nhân sự đi làm, soạn đơn hàng cho kịp.
Ông Cần thông tin hiện nay, đơn vị có 6 nhà sách ở các quận, huyện, nhân lực được tiêm vaccine nên mong muốn sớm được hoạt động tại chỗ để soạn đơn hàng.
Khảo sát của Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho thấy 40% học sinh tại địa phương thiếu sách giáo khoa cho năm học 2021-2022. Ảnh: N.P. |
Theo khảo sát của Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, khoảng 40% học sinh trên toàn thành phố chưa mua được sách giáo khoa mới, 50% học sinh chưa mua được đồ dùng học tập.
Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng nhận định dạy - học trực tuyến là hình thức hỗ trợ chứ không phải chủ đạo nên trong khoảng 2 tuần đầu, học sinh chủ yếu được giới thiệu chương trình, sách giáo khoa, phương pháp học tập và củng cố kiến thức cũ.
Sau 2 tuần dạy trực tuyến, nếu tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, sở sẽ có hướng dẫn cụ thể về dạy - học trực tuyến cho học sinh trên cơ sở quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Đơn vị này đã báo cáo lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng về việc sau khai giảng năm học, nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp, cần xem xét cho phép các công ty, nhà sách được hoạt động, cung ứng sách giáo khoa, đồ dùng học tập… cho học sinh theo hình thức shipper giao hàng hoặc tổ dân phố mua giúp để đảm bảo cho học sinh thuận tiện việc học bài mới.