Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng nghìn điều kiện kinh doanh được cắt giảm có thực chất?

Hàng nghìn điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính được cắt bỏ nhưng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nhiều ý kiến đánh giá việc này cần thực chất hơn.

Sáng 21/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành để kiểm tra, xem xét việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn luật còn nợ đọng và tình hình thực thi các quy định về điều kiện kinh doanh.

Cải cách hành chính, cơ chế xin - cho “còn nặng nề hơn”

Nhấn mạnh việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, nghị định luôn được Chính phủ đặc biệt quan tâm, song Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng dù đã quá hạn, vẫn còn 21 văn bản nợ đọng. Trong đó, 6 văn bản nợ đọng quá lâu, cá biệt chậm đến 8 tháng.

cat giam dieu kien kinh doanh anh 1
Buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng và các bộ, ngành. Ảnh: Nhật Bắc.

Về thực thi điều kiện kinh doanh cũng như việc cải cách thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành hàng hoá xuất, nhập khẩu, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá các bộ, ngành đã làm tích cực, quyết liệt.

Kết quả, đã cắt giảm 3.451/6.191 điều kiện kinh doanh; cắt bỏ 6.776/9.926 thủ tục hành chính liên quan đến dòng hàng, mặt hàng kiểm tra chuyên ngành.

“Chúng ta đã có sự cố gắng và quyết liệt để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, môi trường kinh doanh được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét thực chất hơn”, Tổ trưởng Tổ công tác nói.

Ông dẫn nhiều ý kiến cho rằng công tác kiểm tra chuyên ngành 6 tháng đầu năm 2019 chậm, chủ yếu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm trước khi thông quan chứ không phải là xoá bỏ thủ tục kiểm tra như Thủ tướng chỉ đạo.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng dẫn chứng ý kiến của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng vẫn còn tình trạng một mặt hàng, sản phẩm chịu sự kiểm tra của nhiều bộ, hoặc nhiều đơn vị trong cùng một bộ.

Thậm chí, có tình trạng điều kiện kinh doanh “hoá thân” vào quy chuẩn, tiêu chuẩn, tình trạng xin - cho còn nguyên, thậm chí còn nặng nề hơn. Chi phí không chính thức với doanh nghiệp có giảm nhưng vẫn ở mức cao trong khu vực.

cat giam dieu kien kinh doanh anh 2
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác yêu cầu xem xét thực chất việc cắt giảm điều kiện kinh doanh. Ảnh: Nhật Bắc.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì cho rằng việc cắt giảm mới chỉ là hình thức, thủ tục giảm nhưng thời gian xử lý công việc không giảm. Có vấn đề doanh nghiệp hỏi phải chờ đến 3 tháng để có văn bản trả lời từ các bộ.

Mặt khác, có tình trạng cắt giảm chỉ chạy theo thành tích mà không quan tâm đến yêu cầu đảm bảo hoạt động quản lý Nhà nước.

Vì thế, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh cần cương quyết cắt bỏ những thủ tục gắn với quyền lợi cục bộ của các bộ, ngành.

“Chưa ai dám quyết định như nhiệm kỳ trước”

TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định nhiệm kỳ này đã thực hiện nhiều cải cách và được doanh nghiệp đánh giá cao, thực sự có tác dụng. Điển hình là đầu tư tư nhân trong nước tăng rất nhiều so với đầu tư của Nhà nước và nước ngoài, là động lực lớn góp phần tăng trưởng.

Tuy nhiên, theo quan sát của ông, đỉnh điểm cải cách là vào năm 2018, sau đó chưa có sự bứt phá. Ông Cung đề nghị tiếp tục đưa nhiều thông tin cải cách lên truyền thông để làm nóng hơn không khí của cải cách, tạo ra niềm tin xã hội.

Nhắc đến môi trường kinh doanh hiện nay, TS Nguyễn Đình Cung nêu nhiều câu chuyện trong quá trình đi khảo sát ở một số địa phương.

cat giam dieu kien kinh doanh anh 3
Theo TS Nguyễn Đình Cung, hệ thống pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn nên làm thế nào cũng sai. Ảnh: Hoài Vũ.

Ông nhận định chúng ta gia nhập thị trường tương đối tốt nhưng lại đang tắc ở khâu đầu tư tài sản để tạo năng lực sản xuất. “Đầu tư tạo tài sản rất quan trọng, phát triển dài hạn nằm ở vấn đề này, nhưng trên thực tế các luật của ta chồng chéo, mâu thuẫn, khác nhau nên làm đúng cái này thì sai cái kia, làm thế nào cũng sai”, ông Cung nói.

Theo chuyên gia kinh tế này, khi có tập thể quyết định thì mọi việc chạy, nhưng bây giờ không ai dám quyết định. Đặc biệt với những dự án đầu tư lớn, những dự án tạo tài sản thì “chưa ai dám quyết định như nhiệm kỳ trước”. Bởi vậy, ông rất phân vân về tăng trưởng ở nhiệm kỳ sau.

Nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng phải nhanh chóng gỡ khúc này để tạo ra đầu tư, năng lượng sản xuất, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng đây vẫn là khoảng trống và cần tập trung xử lý nhiều hơn. Đáng chú ý, đây cũng là chỗ mà lợi ích của ngành là “hết sức đậm nét”.

Về điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành, Viện trưởng CIEM cho rằng các bộ thường nói về thành tích nhiều hơn là vấn đề của mình.

Nêu thực tế ở địa phương, ông Cung kể có chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh than thở “cứ lên bộ là rất sợ”, vì không biết gặp ai cho đúng và chẳng biết bao giờ mới xong. Từ đó, ông đưa ra nhận định “trên nóng, dưới nóng nhưng giữa chưa nóng”.

Báo cáo trước đó tại cuộc làm việc, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết bộ đã cắt giảm 209/385 điều kiện kinh doanh (chiếm tỷ lệ 59%), đảm bảo chỉ tiêu đề ta. Về số thủ tục hành chính, Bộ cũng bãi bỏ được 35/200 thủ tục. Việc này giúp tiết kiệm cho doanh nghiệp 20.000 giờ/năm, chi phí giảm 36 tỷ/năm.

Đại diện Bộ Y tế nêu những con số ấn tượng khi giảm 1.392/2.005 điều kiện đầu tư kinh doanh, đạt 69,43%; cắt 167/245 thủ tục hành chính. Theo tính toán, việc này giúp tiết kiệm 8.000 ngày công, tương đương 3.332 tỷ đồng/năm, đó là chưa tính tới chi phí cơ hội…

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá số liệu cắt giảm của Bộ Y tế rất cao nhưng cần xem xét lại về thực chất việc cắt giảm vì nhiều doanh nghiệp liên quan lĩnh vực trang thiết bị y tế, dược còn kêu nhiều. “Doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng đâu”, ông Dũng nói.

Đề nghị bãi bỏ Quỹ bảo trì đường bộ, Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu bãi bỏ nhiều loại quỹ tài chính ngoài ngân sách, trong đó có Quỹ bảo trì đường bộ, Quỹ phòng chống thiên tai...


Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm