Trong một căn hộ chật chội ở ngoại ô Moscow, Lamin không có nhiều thứ ngoài quần áo và cuốn Kinh Thánh mà anh mang theo khi đến Nga với visa World Cup tạm thời vào hè năm ngoái.
Thanh niên 23 tuổi người Gambia ở trong căn hộ 2 phòng với 9 người khác – trong đó, trẻ nhất là bé gái mới sinh, con của một bạn cùng phòng người Congo.
Cũng như hàng nghìn người châu Phi khác, Lamin đến Nga vào giải bóng đá thế giới với giấy tờ dạng “Fan ID”, cho phép khán giả World Cup vào Nga dễ dàng hơn so với quy định visa thông thường.
Lamin, thanh niên 23 tuổi người Gambia, là một trong số 12.000 người ở Nga bất hợp pháp sau khi visa cổ động viên cho World Cup 2018 hết hạn. Ảnh: AFP. |
Trong khi đa số đến Nga chỉ để xem bóng đá, những người khác dự định ở lại và đi làm.
Một số người nghĩ rằng họ có thể xin tị nạn ở Nga, hoặc Nga có thể là bước đệm để họ tìm đến cuộc sống mới ở châu Âu.
Nhưng 8 tháng sau khi Pháp đánh bại Croatia để đăng quang ngôi vô địch thế giới vào tháng 7/2018, những hy vọng của những người châu Phi nói trên bị dập tắt khi Bộ trưởng Nội vụ Nga nói nước này sẽ tăng cường các biện pháp trục xuất những vị khách ở quá hạn visa trước cuối tháng 3/2019.
Hi vọng tị nạn mong manh
Lamin (chỉ là tên dùng cho công việc) nói anh cần phải rời khỏi xung đột với gia đình ở Gambia vì mạng sống của anh bị đe dọa. Một bạn của anh ở nhà thờ nói Nga là nơi dễ vào trong thời gian tổ chức World Cup.
Nhưng sau khi đến đây, mọi chuyện không hề dễ dàng.
“Tôi không biết gì, tôi không có nơi nào để ở, cuộc sống rất khó khăn”, anh nói.
Cựu sinh viên ngành quản lý sau cùng nhận được sự hỗ trợ của một người nhập cư người Liberia, cho anh ăn và ở nhờ trong căn hộ.
Nhưng trong một cuộc trấn áp vào tháng trước, cảnh sát phát hiện người Liberia kia không có giấy tờ, và đã trục xuất người này.
“Tôi không biết sắp tới sẽ ra sao. Tôi rất sợ”, theo Lamin, người đã được cho phép ở tạm cho đến giữa tháng 3.
Với sự giúp đỡ của Ủy ban Hỗ trợ Công dân, một tổ chức làm việc với người tị nạn ở Nga, ông đã nộp đơn xin tị nạn vĩnh viễn.
Nhưng có rất ít hi vọng xin được tị nạn. Số liệu chính thức cho thấy năm 2017, Nga đã trao giấy tờ tị nạn đầy đủ cho chỉ 33 người.
Chỉ có 33 người được trao giấy tờ tị nạn ở Nga năm 2017. Ảnh: AFP. |
Làn sóng nhập cư
“Giấy phép cổ động viên” ban đầu chỉ có giá trị trong giai đoạn World Cup, nhưng Tổng thống Vladimir Putin sau đó tuyên bố các giấy tờ này có thể được sử dụng để nhập cảnh nhiều lần cho đến hết năm 2018.
Tháng trước, quan chức bộ nội vụ Andrei Krayushkin cho biết 12.000 người đã ở lại bất hợp pháp sau khi hết năm.
Nhưng lực lượng an ninh cho đến nay đã trấn áp và giảm con số đó xuống 5.500 người, ông nói trong một cuộc họp báo.
Daniel, người làm việc với di dân châu Phi ở Moscow trong 10 năm, nhưng muốn giấu kín họ cũng như nơi làm việc của mình, nói World Cup đã mang đến làn sóng di dân lớn nhất mà ông từng thấy.
“Khi họ đến đây, họ bị mắc kẹt. Họ không muốn quay về, nhưng họ cũng không thể đi tiếp”, ông nói với AFP.
“Hầu hết không nói tiếng Nga, và nếu không biết tiếng Nga, cơ hội tìm được việc là rất nhỏ”.
Các nhóm hoạt động nói hầu hết di dân châu Phi không nói tiếng Nga, và vì vậy họ khó có thể tìm được việc: Ảnh: AFP. |
Một người nhập cư như vậy là Solomon, đến trong kỳ World Cup để cổ vũ cho Nigeria, đội nhà của anh. Anh đã có kế hoạch từ trước là ở lại Nga sau giải đấu.
Lúc đầu, người đàn ông 31 tuổi này tìm được việc làm vườn, nhưng bây giờ đang thất nghiệp.
“Ở Nigeria, không có việc làm, chính trị rất tệ, cuộc sống không tốt”, người tốt nghiệp ngành kỹ sư nói với AFP.
“Tôi chỉ muốn ở đây một thời gian, để làm việc, kiếm chút tiền, và chuyển đi nơi khác”.
Anh ta “rất lo lắng” về thời hạn cuối tháng 3 mà Bộ Nội vụ đã công bố, nhưng nói rằng anh không định tự mình rời khỏi Nga.
Nạn nhân buôn người
Một số ít người trong các hoàn cảnh đặc biệt đã được cho phép ở lại sau tháng 3.
Victoria đến từ Nigeria theo giấy tờ World Cup, với kế hoạch học tập ở Nga, nhưng khi đến nơi, cô gái 22 tuổi mới nhận ra mình đã bị buôn bán vào giới mại dâm.
Một phụ nữ đã đến gặp cô tại sân bay, đưa cô về một căn hộ và bảo cô cởi bỏ quần áo.
“Cô ấy lấy hộ chiếu và Fan ID của tôi”, Victoria nói.
Lamin, thanh niên người Gambia, không có nhiều thứ ngoài quần áo và cuốn Kinh Thánh mà anh mang theo khi đến Nga. Ảnh: AFP. |
Sau khi bị buộc làm gái mại dâm, Victoria đã liên lạc với tổ chức phi chính phủ chống buôn người Alternativa và tìm cách trốn thoát.
Tổ chức này đã giúp cô xin được giấy tờ để ở lại Nga cho đến mùa hè, và cô đã xin được việc ở một cửa hàng sửa giày.
“Tôi muốn ở lại Nga”, cô nói với AFP tại văn phòng của tổ chức tại trung tâm Moscow.
“Không phải ở lại vĩnh viễn - tôi chỉ muốn có một số tiền, để ít ra khi về Nigeria, tôi có thể bắt đầu kinh doanh”.
Nhưng những người khác bị buôn bán và đẩy vào con đường mại dâm, như Progress, 20 tuổi, vẫn trong tình trạng lấp lửng. Alternativa đang làm đơn xin gia hạn “để tôi có thể ở lại Nga”, cô gái trẻ người Nigeria nói với AFP.
“Rất nhiều cô gái đi cùng tôi vẫn đang phải hành nghề. Họ quá sợ và không dám bỏ đi”, cô nói.