Ba ngày qua, khoảng 18h chiều, hàng nghìn con chim én từ khắp nơi bay về chen chúc trên dây điện gây náo động thôn Phước Thịnh, xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
Chim én làm tổ trên tường nhà nhiều hộ dân cách tuyến quốc lộ 1 vài chục mét.
Hàng nghìn chim én bay về đậu kín dây điện ở Quảng Ngãi. Ảnh: Minh Hoàng. |
Anh Cường, chủ cửa hàng kinh doanh điện thoại trên tuyến quốc lộ 1, cho biết khoảng 17-18h, chim én bay về rợp trời.
"Sống ở vùng đất này từ nhỏ đến giờ, chưa bao giờ tôi thấy chim én bay về đậu dày đặc trên dây điện giữa khu dân cư ồn ào, đông đúc như thế. Một số nông dân cho đây là đất lành chim đậu nhưng nhiều người khác lại lo ngại loài chim này có lây nhiễm dịch bệnh gì hay không", anh Cường nói.
Trước hiện tượng này, các chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) lý giải én bay về trong mùa đông hoặc vào dịp cuối xuân, đầu hè ở Việt Nam là theo chu kỳ mỗi năm hai lần đi - về.
Chim én chao liệng tìm nơi trú ngụ ở xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức. Ảnh: Minh Hoàng. |
Loài chim én sinh sống và làm tổ chính ở các nước phía bắc bán cầu. Mùa đông chúng di cư xuống phía nam bán cầu cho đến tận châu Úc... Đến mùa xuân, chúng lại bay về quê hương ở các nước phương bắc. Mỗi năm ở Việt Nam có hai lần chim én bay qua, có khi hàng đàn lớn với số lượng hàng chục nghìn con, tùy theo thời tiết.
Chim én bay qua vùng có nhiều thức ăn là các loài côn trùng nhỏ, tập trung ở lại một thời gian để kiếm mồi, tích lũy đủ năng lượng để tiếp tục hành trình. Nếu không có thức ăn một ngày chim én có thể chết đói vì cơ của loài chim này luôn trong trạng thái hoạt động mạnh. Sau một ngày bay đi tìm kiếm mồi, đêm về chúng thường ngủ đậu sát với nhau để giữ ấm, tiết kiệm năng lượng cho chặng đường bay xa.
Xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), nơi hàng nghìn chim én bay về trú ngụ giữa khu dân cư. Ảnh: Google Maps. |