Mang gần 400 hộp ong từ Đồng Nai ra Hà Tĩnh, anh Trần Ngọc Châu (47 tuổi) cho hay đầu tháng 5 anh đến đây, được ít ngày thì nhận giấy mời yêu cầu nộp 2 triệu đồng lệ phí nuôi ong.
Theo anh Châu đây là thứ phí lạ lùng, chưa bao giờ thấy.
Anh Trần Ngọc Châu, băn khoăn về khoản phí lạ cho đàn ong. Ảnh: Phạm Trường. |
Chủ trại ong cho hay anh đi đánh mật khắp nơi nhưng chưa nơi nào có khoản phí vô lý như ở Hà Tĩnh. “Nếu địa phương có các chương trình hay khoản phí hỗ trợ, ngày lễ, sửa sang lại đường sá thì chúng tôi đồng tình, nhưng việc thu lệ phí nuôi ong thì quá vô lý”, anh Châu nói.
Anh Tạ Quốc Khánh (28 tuổi, trú Đắk Lắk) có 250 hộp ong đặt ở xã Kỳ Văn cũng gặp trường hợp tương tự. Theo anh Khánh, khi đến địa phương đã khai báo và làm giấy tờ tạm trú nhưng xã bắt nộp phí cao như vậy là điều lạ lùng.
Giấy mời được Công an xã gửi về các hộ nuôi ong. Ảnh: Phạm Trường. |
Theo tìm hiểu, khoản phí nuôi ong không chỉ xảy ra ở địa bàn xã Kỳ Tây mà còn ở các xã Kỳ Văn, Kỳ Trung, Kỳ Hợp (huyện Kỳ Anh).
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Viết Ký, Chủ tịch UBND xã Kỳ Tây, xác nhận có khoản thu trên, nhưng việc thu là tự nguyện chứ không hề bắt buộc hay quy định mức thu.
“Các hộ nuôi ong họp bàn và đồng ý mức phí hỗ trợ địa phương trong việc bảo vệ người nuôi và đàn ong của họ nên xã giao cho công an quản lý và thu phí”, ông Ký nói với Zing.vn.
Theo ông Ký, khoản thu lệ phí nuôi ong này có từ năm 2010 đến nay. Năm nay có 56 hộ đưa ong về, việc người nơi khác mang ong đến địa phương ít nhiều gây xáo trộn đến an ninh khu vực. Nhiều phần tử lợi dựng đến "xin đểu" mật, tiền bạc và gây gổ với người nuôi ong nên công an phải chạy cả đêm để bảo vệ họ. Có trường hợp công an xã bị đánh gãy tay cũng vì bảo vệ người nuôi ong.
Ông Ký cho biết thêm việc thu phí này là để hỗ trợ địa phương trong việc bảo vệ người đến nuôi ong; ngoài ra, còn là khoản phí giúp sửa sang đường, vì hàng tuần nhiều xe lớn vào lấy mật, xe nặng sẽ khiến đường sớm xuống cấp.
"Còn công an xã gửi giấy mời về các hộ, viết như vậy là do lỗi đánh máy, thiếu hợp lý, sai quy trình", vị Chủ tịch xã khẳng định.
Nhiều người nuôi ong các xã Kỳ Văn, Kỳ Trung, Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh) đều chịu chung khoản phí này. Ảnh: Phạm Trường. |
Ông Nguyễn Lương Nam, Trưởng công an xã Kỳ Tây, khẳng định việc gửi giấy mời và thu phí là theo chỉ thị của xã. Xã họp bàn, thống nhất khoản thu rồi giao cho công an phát giấy mời tới các hộ, để họ vừa đăng ký làm tạm trú, vừa nộp phí bảo vệ ong.
“Chuyện này là tự nguyện nhưng đã thành thông lệ nên anh em đều biết quy định và thực hiện”, ông Nam nói.
Trao đổi với Zing.vn, ông Bùi Quang Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, cho hay đã nhận được thông tin và đã cho cán bộ xuống tìm hiểu. Theo ông Hoàn, không có quy định thu phí nuôi ong nhưng có thể đó là khoản thu khác hoặc hợp đồng địa phương với người nuôi ong.
“Huyện sẽ tìm hiểu rõ vấn đề này, nếu ai có vi phạm sẽ cho xử lý đúng theo pháp luật”, ông Hoàn nói.