Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Hàng nghìn ca mắc Covid-19 mỗi ngày, Singapore quyết thực hiện mở cửa

Singapore đang đối mặt với với làn sóng ca mắc Covid-19 tăng cao chưa từng có. Tuy nhiên, nhà chức trách và nhiều chuyên gia tin rằng chiến lược sống chung với dịch cần tiếp tục.

singapore song chung voi covid-19 anh 1

Với 80% người dân đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19, Singapore đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ chủng ngừa cao nhất thế giới. Nhưng khi quốc gia 5,7 triệu dân này thực hiện mở cửa nền kinh tế từng giai đoạn, số ca mắc Covid-19 tăng vọt.

Điểm tích cực là tình trạng bệnh nặng hoặc tử vong vẫn được giữ ở mức thấp. Chính phủ Singapore khẳng định việc số ca bệnh tăng là điều nằm trong dự đoán, và ưu tiên của họ là tiến tới mở cửa nhưng không gây áp lực cho hệ thống y tế.

Những gì xảy ra ở Singapore giúp các quốc gia có hình dung rõ ràng hơn về một cuộc sống bên cạnh Covid-19, khi viễn cảnh xóa sổ virus SARS-CoV-2 tới nay dường như vẫn bất khả thi, theo Financial Times.

Ca mắc liên tục phá kỷ lục

Trong suốt tháng 7 và 8, số ca mắc Covid-19 mỗi ngày ở Singapore duy trì ở mức trên dưới 100, nhờ chính sách không khoan nhượng với virus mà nước này theo đuổi suốt 1 năm qua.

Chính sách này bao gồm yêu cầu người dân ở nhà nếu không có lý do ra ngoài chính đáng, xét nghiệm diện rộng và truy vết ca nhiễm.

Tới tháng 9, số ca mắc đã tăng từ 180 trong ngày đầu tháng lên gần 500 vào giữa tháng.

Singapore khởi đầu tuần qua với 1.647 ca mắc Covid-19 trong ngày 27/9. Đến ngày 1/10, số ca mắc bệnh sau 24 giờ đã tăng gần gấp đôi, lên 2.909.

Nếu tốc độ lây nhiễm hiện nay duy trì, số người mắc bệnh có thể tăng lên 5.000 ca/ngày trong tuần sau, và 10.000 ca/ngày trong 2 tuần tới, các chuyên gia y tế Singapore nhận định, theo South China Morning Post.

singapore song chung voi covid-19 anh 2

Người dân Singapore xếp hàng chờ xét nghiệm hôm 21/9. Ảnh: Reuters.

Biến chủng Delta, với khả năng lây lan mạnh, là một trong các nguyên nhân làn sóng dịch bệnh hiện nay. Bên cạnh đó, hiện tượng "nhiễm bệnh đột phá", tức người đã tiêm vaccine nhưng vẫn mắc Covid-19, cũng là một nguyên nhân.

Dữ liệu của cơ quan y tế Singapore cho thấy 52% ca mắc Covid-19 trong tháng qua là người đã chủng ngừa. Số người chưa tiêm chủng mắc Covid-19 chỉ chiếm 48%.

Tuần qua, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng mạnh, chính quyền Singapore gửi dụng cụ xét nghiệm tới từng nhà dân.

Động thái này bị các chuyên gia chỉ trích bởi nó làm người dân thêm lo lắng, trong khi đa phần người nhiễm virus chỉ có triệu chứng nhẹ, thậm chí không có triệu chứng, theo South China Morning Post. Nhiều ý kiến cho rằng nên dừng việc xét nghiệm với nhóm đối tượng này.

Làn sóng Covid-19 hiện nay xảy ra sau khi Singapore nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch để có thể tái khởi động nền kinh tế, theo kế hoạch chuyển đổi từ "Zero Covid-19" sang "sống chung với virus" của chính quyền Thủ tướng Lý Hiển Long.

"Mục tiêu của chúng ta là giữ cho toàn bộ cộng đồng được an toàn, nhưng chấp nhận một số người có thể sẽ nhiễm bệnh", Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết.

Trong tháng 6 và 7, Singapore bắt đầu nới lỏng quy định hạn chế tại các nhà hàng, công sở, trung tâm dịch vụ giải trí. Đến tháng 8, nhiều doanh nghiệp được phép hoạt động tối đa công suất.

Đầu tháng 9, Singapore mở đường bay dành cho người đã tiêm vaccine đến từ các khu vực có nguy cơ thấp như Hong Kong (Trung Quốc) hay Đức. Người dân đến từ những địa điểm như vậy sẽ không phải cách ly.

Singapore sẽ tiếp tục mở cửa

Từ 27/9, Singapore đã tái áp đặt một số biện pháp giãn cách xã hội. Số thực khách ăn theo nhóm tại các nhà hàng đã giảm từ 5 xuống 2. Các doanh nghiệp được hướng dẫn cho phép người lao động quay trở lại làm việc tại nhà nếu cần thiết.

Chính phủ Singapore cho hay các biện pháp này sẽ được duy trì trong ít nhất 1 tháng nhằm ngăn ngừa nguy cơ hệ thống chăm sóc y tế quá tải.

Khoảng thời gian này cũng cho phép Singapore chuẩn bị cơ sở vật chất giúp người bệnh điều trị tại nhà hiệu quả hơn, theo Financial Times.

Hiện nay, số người cần chăm sóc tích cực vì mắc Covid-19 ở Singapore là 30, tăng gấp 6 lần so với đầu tháng 9.

"Đợt bùng phát hiện nay sẽ làm chậm đà tái mở cửa của Singapore", John Ansah, phó giáo sư dịch vụ y tế tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận xét.

Tuy vậy, nhờ tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao, đa phần người mắc Covid-19 không bị bệnh nặng hoặc tử vong. Nhà chức trách Singapore cho biết 98% người mắc Covid-19 trong 28 ngày qua chỉ có triệu chứng nhẹ, thậm chí không có triệu chứng.

singapore song chung voi covid-19 anh 3

Khu phố thương mại Orchard ở trung tâm Singapore đông đúc người qua lại. Ảnh: AFP.

Theo bà Kenneth Mak, quan chức Bộ Y tế Singapore, nguy cơ tử vong hoặc nhập viện vì Covid-19 ở người đã chủng ngừa tại nước này thấp hơn 12 lần so với người chưa tiêm vaccine.

Theo CNBC, Bộ Y tế Singapore cho biết số ca mắc Covid-19 diễn tiến nặng lúc này vẫn đang nằm trong tính toán trước.

"Chiến lược tổng thể của chúng tôi không thay đổi. Singapore cam kết tích cực tái mở cửa nền kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, mục tiêu của chúng tôi sẽ luôn là mở cửa mà không gây quá nhiều áp lực cho hệ thống y tế", Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong cho biết hôm 27/9.

Ben Cowling, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Hong Kong, cho rằng ngay cả khi có đợt bùng phát mới, Singapore đang trở thành hình mẫu cho các nước theo đuổi chính sách "Zero Covid-19" quan sát, tìm ra con đường thoát khỏi đại dịch.

"Nhiều khả năng số ca bệnh sẽ tăng cao hơn nữa trong những tuần tới, khi Singapore duy trì nới lỏng các biện pháp hạn chế. Nhưng tôi tin rằng sẽ có rất ít ca bệnh nặng", ông Cowling đánh giá.

Ông Ooi Eng Eong, giáo sư dịch bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định làn sóng dịch bệnh hiện nay "nằm trong giới hạn" của Singapore.

Các biện pháp hạn chế mới là "không cần thiết" và sẽ làm chậm lại nỗ lực sống chung với dịch bệnh, ông Ooi nói.

"Với những người mắc bệnh đã tiêm vaccine, virus sẽ không để lại bất cứ hậu quả ngắn hạn hay dài hạn nào với sức khỏe của họ. Thậm chí, lây nhiễm còn kích hoạt bổ sung phản ứng miễn dịch tự nhiên, giúp làm giảm nguy cơ nhiễm các biến chủng khác sau này", ông Ooi cho biết.

Ashley John, chuyên gia miễn dịch tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng việc chuyển đổi nhận thức, coi Covid-19 là một căn bệnh có thể chung sống, đang diễn ra trên khắp thế giới.

"Xóa sổ Covid-19 không khả thi trong thời gian trước mắt, nhưng chúng ta đang có những công cụ để kiểm soát nó, trong đó có các loại vaccine", ông John cho biết.

Chuyển sang "chung sống với Covid" đòi hỏi thay đổi về nhận thức, từ ưu tiên đếm ca bệnh sang chỉ tập trung vào những ca bệnh cần nhập viện và có nguy cơ tử vong.

Trong các buổi thông tin thường nhật về Covid-19, nhà chức trách Singapore đã tập trung nhiều hơn vào các ca bệnh nặng và tử vong, thay vì ca mắc mới mỗi ngày.

Giới chức y tế cũng dừng cung cấp dữ liệu về truy vết ca mắc mới nhằm giảm sự lo ngại của người dân đối với những trường hợp chỉ có triệu chứng nhẹ.

"Dữ liệu mắc bệnh mới hàng ngày không còn cần thiết như trước nữa, bởi lúc này chúng ta đã chấp nhận sống chung với Covid-19", chính phủ Singapore cho biết trong một thông báo.

Chuyên gia Singapore cảnh báo viễn cảnh 10.000 ca mắc mới mỗi ngày

Một chuyên gia y tế hàng đầu ở Singapore lo ngại nếu tốc độ lây nhiễm hiện nay duy trì, nước này có thể chứng kiến 10.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày trong 2 tuần tới.

Số ca mắc Covid-19 tăng vọt, Singapore siết chặt quy định phòng dịch

Chính phủ Singapore bắt buộc các tổ chức, doanh nghiệp phải triển khai cho nhân viên làm việc từ xa, đồng thời giới hạn quy mô các sự kiện đông người.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm