Được hình thành từ năm 2006 đến nay, phòng lưu trữ xác ướp cá của Bảo tàng Đồng Nai (số 1, Nguyễn Ái Quốc, TP Biên Hòa, Đồng Nai) là nơi duy nhất ở Việt Nam có những con cá được ướp xác, bảo quản với những công đoạn vô cùng phức tạp và tỉ mỉ như bảo quản cơ thể người ở phòng thí nghiệm vậy.
Cá chết mà ngỡ như đang… bơi lội
Chúng tôi tới Bảo tàng Đồng Nai vào một buổi chiều cuối ngày nắng nóng. Vừa dẫn khách đi tham quan phòng lưu giữ độc nhất vô nhị của mình, chị Lâm Thị Vân Thoa (Trưởng phòng bảo quản, kiểm kê) hồ hởi cho biết: “Để bảo quản được những con cá này trong vòng nhiều năm là một việc làm rất khó khăn, vất vả.
Chúng tôi phải dùng nhiều loại hóa chất, trong đó chủ yếu là phóc-môn dùng để bảo quản tiêu bản xác người mà các phòng thí nghiệm thường làm. Tuy nhiên, bảo quản cá lại có cái khó riêng ấy là phải gìn giữ tất thảy những bộ phận như vảy, vây, đuôi hay mang cá nữa khiến cho công việc thêm nhiều công đoạn.
Hơn nữa, khi bảo quản phải để cá trong những bình dung dịch và có giá đỡ để cá có tư thế tự nhiên, giống như đang bơi khi còn sống vậy”.
Cá tráp. |
Khi cánh cửa phòng thí nghiệm mới được mở ra, đập vào mắt chúng tôi là hàng ngàn lọ thủy tinh hình vuông, chữ nhật to nhỏ khác nhau có đựng những dung dịch gần như trong suốt, giống nước để giữ cá thăng bằng theo tư thế đang bơi rất sinh động.
Không giấu nổi sự tự hào, chị Thoa nói tiếp: “Cá ở đây ngoài những loại thông dụng như cá trắm, chép, mè, lóc, rô đồng rất thông dụng và được nhiều người biết đến thì cũng còn có những con cá lạ và độc đáo như cá tỳ bà, cá nâu, cá chốt, mè hôi… được các cán bộ bên chi cục khai thác thủy hải sản giúp đỡ tìm kiếm, mang về đây để trưng bày phục vụ mọi người và phục vụ mục đích khoa học”.
Được biết, ở khu lưu giữ các ướp cá này còn có nhiều loài cá đã sắp tuyệt chủng cũng được bảo quản hết sức cẩn thận. Nói về điều này, Giám đốc bảo tàng, ông Lưu Văn Du chia sẻ: “Mục đích của chúng tôi khi quyết định làm một phòng trưng bày kỳ lạ như thế này cũng là để nhằm bảo tồn những giống cá quý hiếm hoặc thông dụng ở những sông ngòi trong khu vực miền Đông đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Qua đó giúp cảnh báo mọi người về tình trạng ô nhiễm môi trường khiến cá đang chết hàng loạt”.
Ông Du còn cho biết thêm, từ khi có khu lưu trữ xác ướp cá trong bảo tàng, hàng hàng lượt khách trong và ngoài tỉnh đã ghé thăm và ai cũng tỏ ra thích thú.
Đối với những người lớn tuổi, nhìn những tiêu bản xác ướp cá thế này, họ có cảm giác nhớ lại thời quá khứ với những con cá mà hầu như đã không còn gặp chúng trong tự nhiên nữa bởi con người đã tận diệt chúng hết rồi.
Thêm vào đó, các em nhỏ học sinh sinh viên khi thăm nơi này cũng tỏ ra hào hứng bởi những con cá tưởng như gần gũi ấy khi trở thành tiêu bản xác ướp cũng đem lại không ít cảm giác thú vị.
Em Lê Thị Mai, một học sinh phổ thông ở địa bàn phường Tân Mai (TP Biên Hòa) thích thú nói: “Trước đây những loại cá như vậy em chỉ được nhìn trên sách báo. Ở đây được ngắm những chú cá lóc bông, cá điêu hồng, cá rô phi, mè trắng mà em có cảm giác như cá mẹ mới mua ở chợ về vậy”.
Gian nan tìm cá sắp tuyệt chủng
Kể về kỷ niệm khi săn tìm các loại cá quý hiếm này, chị Thoa cười bảo: “Cách đây hơn 2 năm, chúng tôi nghe nói ở làng cá Bến Nôm (huyện Định Quán, Đồng Nai) ngư dân có bắt được mấy con cá lưỡi trâu ở lòng hồ Trị An nên mấy anh em trong bảo tàng tức tốc lên ngay trên đó để mua.
Loài cá lưỡi trâu này khoảng 30 năm trước ở đây thì rất nhiều nhưng giờ hầu như không ai nhìn thấy nữa. Tuy nhiên lần đó, khi chạy xe lên tới nơi thì người dân đã bán cho mấy tư thương ở dưới chợ cá Phú Cường mất rồi nên chúng tôi vội tìm đến chợ cá.
Tìm gặp được người thương lái đã mua mấy con cá lưỡi trâu ấy thì họ cũng vừa bán cho… quán nhậu xong. Nghe vậy, chúng tôi lại cuống cuồng tìm đến quán nhậu, giả làm thực khách gọi món cá lưỡi trâu với đề nghị không chế biến mà cứ để nguyên con sau đó mang về đây, ngâm hóa chất và bảo quản đến ngày nay”.
Bên cạnh con cá lưỡi trâu khá đẹp đó, một trong những con cá khác cũng tốn không ít công sức và tiền bạc của nhân viên bảo tàng đó là một chú cá duồng rất quý hiếm.
Cá duồng quý hiếm. |
Sở dĩ loài cá này quý bởi ngoài khả năng bơi lội ở ven sông, cá duồng còn có khả năng… bay lên trên mặt nước để bắt mồi. Hơn nữa, hiện nay không chỉ ở khu vực địa bàn Đồng Nai mà hầu hết các sông ngòi ở Việt Nam đều không còn thấy bóng dáng loài cá này.
Nghe nói có một người chơi cá cảnh ở trên Gò Vấp (TP.HCM) có một con cá duồng khá to, nặng chừng 2kg, chúng tôi tìm đến ngay. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi mua thì vị khách nói giá của nó là 15 triệu đồng. Nghe vậy, chúng tôi vô cùng nản chí bởi quỹ của bảo tàng làm gì có nhiều tiền như thế để mua cá.
Khi biết ý định thực sự của những người khách lạ, chủ nhân của con cá duồng ấy lại vui vẻ tặng cho bảo tàng để chúng tôi ướp xác, bảo quản để nhiều người khác có cơ hội chiêm ngưỡng.Do Đồng Nai là tỉnh không có biển nên bộ sưu tầm các loài cá của bảo tàng cũng còn khá hạn chế bởi ở đây chỉ có cá nước ngọt và nước lợ sinh sống. Vì thế, theo giám đốc bảo tàng, thời gian sắp tới, nếu có điều kiện sẽ mở rộng quy mô của khu lưu giữ với các loại cá nước mặn để hình thành một khu bảo tồn xác ướp cá lớn nhất, độc đáo nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn mang tầm các nước trong khu vực.
Khi ấy, bảo tàng này có thể đón thêm nhiều khách du lịch ham thích tìm hiểu những điều mới lạ đến chiêm ngưỡng…