Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghề ướp xác bằng quan tài thủy tinh ở Khánh Hòa

Gần đây, người dân xôn xao bởi những đám tang quàn thi hài đến 7 - 8 ngày, với mục đích là chờ người thân ở xa về kịp nhìn mặt người quá cố lần cuối. Dù thời gian dài như vậy nhưng thi hài vẫn chưa bị phân hủy.

Nghề ướp xác bằng quan tài thủy tinh ở Khánh Hòa

Gần đây, người dân xôn xao bởi những đám tang quàn thi hài đến 7 - 8 ngày, với mục đích là chờ người thân ở xa về kịp nhìn mặt người quá cố lần cuối. Dù thời gian dài như vậy nhưng thi hài vẫn chưa bị phân hủy.

Để làm được điều này, tang gia đã phải nhờ đến những “chuyên gia ướp xác” bằng quan tài thủy tinh duy nhất chỉ có ở Khánh Hòa.

Công nghệ ướp xác có một không hai

Về thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, hỏi người dân nơi nào nhận ướp xác đám tang thì ai cũng biết. Từ quốc lộ 1A chạy thêm vài cây số nữa, chúng tôi đã tìm được cơ sở ướp xác Anh Duy - nơi được cho là xuất phát điểm của nghề ướp xác. Điều lạ là tiệm Anh Duy vốn là một cửa hàng điện lạnh, chứ không chuyên về dịch vụ mai táng.

Tiếp chúng tôi trong bộ đồ lao động bình thường nhưng nụ cười của chàng trai Nguyễn Viết Duy (33 tuổi) vẫn đủ rạng rỡ để thu hút người đối diện. Duy cho biết, anh đã bắt đầu nghĩ ra ý tưởng làm quan tài có thể giữ thi hài không bị phân hủy từ năm 2007, bắt nguồn từ chính những hoàn cảnh tang gia xảy ra xung quanh mình.

Nguyễn Viết Duy tâm sự: “Tôi từng chứng kiến rất nhiều tang gia phải đem người đã khuất đi an táng sớm bởi thời tiết ở miền Trung này quá nóng, khiến thi hài mau bị phân hủy hơn những nơi khác. Khánh Hòa còn đỡ chứ đổ ra Phan Rang là chịu không thấu.

Rồi đến lúc người thân ở xa không kịp về nhìn mặt người xấu số lần cuối, không nén nổi xúc động, họ kêu khóc nghe thương tâm lắm. Sẵn ngành nghề của mình đang làm cũng có chút liên quan, nên tôi nảy ra ý tưởng làm tủ ướp xác, mục đích ban đầu chỉ là để giúp người ta thôi”.

Mục đích ban đầu chủ yếu là giúp người, thế nên những lần đầu tiên mang tủ ướp xác đi “trình làng”, Duy đều không lấy tiền và cũng không quản công đi. Theo lời Duy, “ca” đầu tiên của anh là đám tang của một ông chủ tịch xã. Do họ hàng đều ở rất xa nên người thân của họ muốn quàn thi hài khoảng 5 - 6 ngày để chờ bà con về kịp viếng. Vừa lúc Nguyễn Viết Duy mới chế tạo xong chiếc tủ ướp xác đầu tiên, nghe bạn bè giới thiệu, tang gia tức tốc tìm đến nhà anh Duy để nhờ giúp một tay.

Duy liền đồng ý cho mượn tủ ướp xác không lấy tiền, nhưng chính bản thân Duy lúc đó cũng chưa biết hiệu quả của chiếc tủ đến đâu nên cũng không dám hứa hẹn gì với gia chủ. Đám tang kéo dài bao nhiêu ngày là bấy nhiêu ngày Duy mất ngủ.

Ngày thứ nhất, thứ hai, rồi cho đến ngày thứ năm, thấy thi hài vẫn còn trắng xanh, chưa bốc mùi, chưa có dấu hiệu phân hủy, Duy mới thở phào nhẹ nhõm, tự nhủ mình đã thành công.

Sau lần “trình làng” suôn sẻ đó, cái tên của cơ sở điện lạnh Anh Duy trở nên nổi tiếng khắp vùng. Người ta tìm đến nơi này nhiều hơn, nhưng phần lớn là tò mò về cái tủ ướp xác lạ lùng của anh. Khoảng vài lần sau, Duy vẫn cho mượn tủ ướp xác miễn phí. Nhưng mỗi lần đem tủ về, Duy phải bảo trì, sửa chữa và số tiền anh bỏ ra để làm tủ ướp xác lẫn phí bảo trì đã đội lên con số mười mấy triệu đồng. Thấy vậy, bạn bè liền mách nước Duy nên cho thuê tủ, để “gỡ gạc” phần nào vốn liếng, công sức đã bỏ ra.

Về phần Duy, do cũng muốn có tiền để đầu tư nghiên cứu thêm các dạng tủ ướp xác khác nên anh đã đồng ý mở dịch vụ cho thuê quan tài ướp xác. Mức giá cho thuê tủ ướp xác lúc ban đầu là 300.000 đồng/ngày. Hơn 6 năm qua, giá cả tuy cũng có tăng lên chút đỉnh nhưng không đáng là bao, chủ yếu để cho Duy có thêm kinh phí bảo trì, sửa chữa và trang trải tiền đi lại, ăn uống nếu gia chủ ở xa.

Nghề mang yếu tố tâm linh

Tâm sự với chúng tôi, Nguyễn Viết Duy nói mình không được ăn học nhiều. Thực chất, Duy từng theo học tại ĐH Thủy sản Nha Trang được hơn 2 năm, nhưng do gia đình gặp khó khăn về kinh tế, anh phải bỏ giữa chừng để lo cho gia đình. Và vài năm trước, Duy cũng đã hoàn thành xong hệ đại học từ xa, ngành cơ điện - lạnh của ĐH Kỹ thuật TP.HCM.

Duy chia sẻ: “Nhiều người hỏi tôi sao học thủy sản mà về làm điện lạnh vậy. Thật ra cũng có liên quan nhiều, bởi thủy hải sản, nếu không được bảo quản lạnh thì không giữ được lâu. Và bảo quản thủy hải sản cũng là một môn tôi đã được học ở trường. Chính những kiến thức này đã giúp tôi có thể chế tạo ra chiếc tủ ướp xác”.

Theo Nguyễn Viết Duy, trước khi bắt tay vào chế tác tủ ướp xác, anh đã nghiên cứu rất nhiều về sự phân hủy của cơ thể con người. Và dựa trên nguyên lý của chiếc tủ lạnh mà anh chàng ham học hỏi Nguyễn Viết Duy tự mày mò gò hàn, lắp ráp. Sau khi hoàn thành, Duy liền mua vài ký thịt heo về bỏ trong chiếc quan tài mới chế tác để thử nghiệm. Mấy ngày sau, thịt vẫn tươi nguyên, nhưng khổ nỗi đá đông lại thành từng mảng.

Duy tâm sự: “Nếu như vậy thì đâu có được, không tang gia nào muốn đông đá người quá cố đâu. Đó là chưa kể khi lấy ra để đem chôn, phần đá tan thành nước thì thi thể người ta sẽ biến dạng đến như thế nào. Tôi thấy chưa được nên mới nghiên cứu thêm”.

Duy dẫn chúng tôi đi xem một chiếc tủ ướp xác mà anh đã thực hiện thành công. Đó là chiếc hòm chữ nhật, nhìn xa sang trọng như một chiếc quan tài thủy tinh, chiều ngang khoảng 1,2 mét, dài hơn 2 mét. Mặt trên là tấm thủy tinh trong suốt, 3 mặt còn lại được cấu tạo bởi 2 lớp thép chắc chắn và được sơn màu trắng ngà. Hệ thống điện tạo hơi lạnh được thiết kế âm vào các lớp thép để tăng phần thẩm mỹ.

Duy cho biết, nguyên lý hoạt động của tủ ướp xác cũng khá đơn giản, sau khi phun phoóc-môn (chất chống phân hủy xác), nhiệt độ được hạ xuống 0 độ C và bắt đầu bảo quản. Tuy nghe đơn giản là vậy, nhưng Duy vẫn còn giữ một số điều thuộc về bí quyết nghề nghiệp. Tủ sau khi sử dụng xong sẽ được phun thuốc và thắp tia cực tím để khử trùng.

Từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, bình quân mỗi tháng có khoảng chục tang gia ở các tỉnh lân cận như Ninh Thuận, Bình Thuận, thậm chí Sài Gòn, Đà Lạt cũng tìm đến cơ sở cho thuê tủ ướp xác của Duy. Hiện, cơ sở có 5 chiếc quan tài ướp xác và 5 nhân viên thay nhau túc trực ngày đêm. Có thể coi cơ sở của anh Duy là nơi duy nhất chính thức cung cấp quan tài ướp xác cho các dịch vụ mai táng, với giá vào khoảng 14 - 15 triệu đồng một chiếc.

Tuy dịch vụ này mang lại cho Duy nhiều điều, nhưng cũng khiến anh âu lo không ít. Bởi theo Duy, đây là cái nghề ít nhiều liên quan đến tâm linh. Nghĩa tử là nghĩa tận, nhiều lúc nhân viên của Duy phải đi lo tang sự ở xa mà anh cứ nơm nớp lo sợ. Sợ rằng nhân viên làm không chu đáo, không tận tâm, người ở dưới suối vàng sẽ không hài lòng, quở phạt hay chỉ nghĩ đến việc họ tủi thân thôi, Duy cũng thấy nao lòng.

Người dân quanh vùng cho biết, cơ sở Anh Duy rất thường xuyên làm từ thiện. Tùy theo hoàn cảnh gia đình tang gia mà Duy có thể lấy nửa giá thuê, hay nhiều khi miễn phí. Với những trẻ em xấu số, Duy cho mượn quan tài ướp xác mà không hề lấy tiền.

Nguyễn Viết Duy tâm sự: “Từ lâu, người Việt mình đã rất tin vào thế giới bên kia của người đã khuất. Tuy nói vậy là mê tín, nhưng “nghĩa tử, nghĩa tận” là truyền thống tốt đẹp của dân mình. Tôi luôn dặn nhân viên là dù có đi đâu, hoàn cảnh tang gia như thế nào cũng phải tận lực, tận tâm để tích phước cho con cháu sau này. Đừng làm người xấu số phật lòng mà tủi thân cho họ”.

Theo Hôn Nhân & Pháp Luật
 

Theo Hôn Nhân & Pháp Luật
 

Bạn có thể quan tâm