Công an Hà Nội vừa kết luận Lê Viết Tám (Hà Nội) đã lập trang web kinh doanh phần mềm theo dõi, giám sát điện thoại di động, lập tài khoản cung cấp cho khách hàng để theo dõi gần 1.000 thuê bao điện thoại. Trước đó, ngày 13/5/2014, Công an Hà Nội bắt quả tang Lê Viết Tám đang bán phần mềm giám sát điện thoại “mspy”.
Vụ việc khác vào cuối tháng 6/2014, Công an Hà Nội xác định Công ty TNHH công nghệ Việt Hồng kinh doanh phần mềm Ptracker nhằm giám sát thuê bao điện thoại khác để xem tin nhắn, danh bạ, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại, quay phim, chụp ảnh, bật - tắt 3G/GPRS...
Điện thoại nào cũng có thể bị giám sát. Ảnh minh họa. |
Hành vi này đã giúp Công ty TNHH công nghệ Việt Hồng thu lời bất chính khoảng 1 tỉ đồng với hơn 14.000 thuê bao điện thoại bị nghe lén.
Vụ việc tưởng sẽ khiến thị trường kinh doanh phần mềm giám sát điện thoại, làm dịch vụ nghe lén phải dừng lại. Thế nhưng, thị trường này vẫn phát triển.
Tràn lan dịch vụ kinh doanh giám sát điện thoại di động
Dạo quanh một vòng các trang mua bán các thiết bị nghe lén điện thoại, kinh doanh phần mềm giám sát điện thoại mọi người đều có thể rất dễ dàng tìm thấy rất nhiều dịch vụ giám sát, nghe lén điện thoại với đủ mọi chức năng, giá dao động từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng.
Hàng trăm mẫu mã thiết bị nghe lén điện thoại với nhiều công dụng khác nhau cũng được bày bán trên mạng.
Bên cạnh các thiết bị nghe lén điện thoại, các dịch vụ thám tử còn cung cấp thêm những “phần mềm thám tử” chuyên giám sát mọi cuộc gọi và tin nhắn của người dùng điện thoại.
Thử điều tra việc ngoại tình của người yêu mình, tôi liên lạc với ông Đ, thuộc công ty thám thử T (quận 1, TPHCM).
Đại diện công ty này cho biết, dịch vụ thám tử có rất nhiều hình thức, trong đó có dịch vụ cài đặt phần mềm giám sát điện thoại. Chỉ cần 5 phút với chiếc điện thoại của đối tượng (thuộc mọi hệ điều hành từ android đến IOS…) trong tay, chúng ta đã có thể nắm được tất cả mọi thông tin cuộc gọi, tin nhắn… và được gửi trực tiếp vào mail của người theo dõi.
Ông Đ tự tin khẳng định “điện thoại của hãng nào tui cũng làm được hết”.
Tuy nhiên, để có được phần mềm giám sát đó, khách hàng phải chi một giá không mềm 15 triệu đồng/máy điện thoại. Có nơi khác nhận làm với giá 20 triệu đồng/máy.
Những phần mềm thám tử có thể dùng được trên bất kì dòng điện thoại nào. |
Ai cũng có thể “vào tròng”
Tất cả những dịch vụ này được mở ra với mục đích phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau, chẳng hạn như giám sát con cái, điều tra ngoại tình, dịch vụ điều tra khác… được hỗ trợ qua dịch vụ giám sát hoặc nghe lén điện thoại.
Ông Đàm Hà Phú (Tổng giám đốc Công ty thiết kế xây dựng Không gian đẹp, quận 10, TP.HCM) cho biết: “Về mọi góc độ, những thông tin cá nhân hay trao đổi qua điện thoại đều bất khả xâm phạm. Nếu công ty thám tử tư hay dịch vụ nào đảm nhận việc này là phi pháp”.
Cùng ý kiến với ông Phú, ông Trần Quang Chiến (Giám đốc điều hành Security Daily) chia sẻ, mỗi người đều có những thông tin riêng, không chỉ về đời tư mà còn là những thông tin giao dịch, thông tin ngân hàng.
Nếu có những tổ chức hay cá nhân cố ý xâm phạm đến những thông tin đó thì đều là những hành vi vi phạm pháp luật.
Không chỉ với cá nhân, những dịch vụ này còn được mở rộng với cả… với doanh nghiệp. Những dịch vụ này đề ra rất nhiều sự lựa chọn khác nhau như điều tra chất lượng hệ thống công ty, điều tra nội bộ doanh nghiệp, cung cấp thông tin doanh nghiệp, điều tra đối thủ cạnh tranh…
Thậm chí, có những dịch vụ có hệ thống trải rộng khắp các tỉnh thành từ Hà Nội đến tận Cà Mau và tất cả đều được quảng cáo công khai.
Với vị trí chủ một doanh nghiệp, ông Hà Phú chia sẻ tất cả là do quản lí của cơ quan nhà nước chưa thật sự chặt chẽ.
Pháp luật quy định thế nào?
Trao đổi với PV, luật sư Huỳnh Phước Hiệp cho biết, theo điều 38 Bộ luật Dân sự, tất cả những thông tin thư tín, điện thoại, điện tín… của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Nên bán công khai những thiết bị nghe lén, làm dịch vụ giám sát điện thoại như vậy là hoàn toàn không được phép.
Dịch vụ nghe lén điện thoại nhằm phục vụ cho nhiều đối tượng với những mục đích khác nhau. |
Trao đổi thêm về vấn đề này, luật sư Bùi Quang Nghiêm cũng cho rằng, chỉ có những cơ quan chức năng có thẩm quyền, với mục đích thu thập những chứng cứ liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng mới được phép thực hiện điều tra như vậy
Luật sư Hiệp cho biết thêm: trong những trường hợp nghiêm trọng, hành vi này có thể bị xử lý hình sự theo điều 125 Bộ luật hình sự với mức án tù 3 tháng đến 2 năm. Chưa kể những thông tin này nếu có liên quan đến bí mật nhà nước, mức phạt sẽ tăng lên đến 7 năm tù theo quy định tại điều 264 Bộ luật Hình sự.
Với những đối tượng bị theo dõi là doanh nghiệp, luật sư Nghiêm cho biết: những hành vi này còn có thể bị khép vào tội trộm cắp tài sản, vì những bí mật kinh doanh cũng được xem là tài sản của doanh nghiệp. “Và theo luật hình sự thì có thể bị phạt tù đến 20 năm”, luật sư Nghiêm nói thêm.
Luật sư Hiệp chia sẻ thêm: với những cá nhân bị xâm phạm quyền riêng tư về điện thoại thư tín, khi phát hiện có thể làm đơn gửi lên tòa án để được bồi thường thiệt hại. Trường hợp nghiêm trọng, người bị nghe lén có thể làm đơn gửi lên cơ quan công an để xem xét khởi tố hình sự.
Cũng theo luật sư Hiệp, với những đối tượng cung cấp các phần mềm nghe lén điện thoại và cài trực tiếp vào điện thoại của nạn nhân nhằm ăn cắp những thông tin liên quan đến tin nhắn, cuộc gọi… sẽ bị khép tội “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet”.
Với tội danh này, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, thậm chí là 5 năm cho những trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.
Người dùng cần trọng
Ông Trần Quang Chiến khuyên người dùng nên cài những phần mềm có thể phát hiện sớm và diệt những phần mềm độc hại. Bên cạnh đó, chỉ nên tải những phần mềm tại các nguồn truyền thống và đáng tin cậy.
Ông Chiến cũng đề xuất, chúng ta cũng nên có thêm những luật cụ thể quy định về trường hợp này. Vì ở nước ngoài cũng có những tổ chức thám tử công khai nhưng họ cũng bị quản lý rất chặt bởi luật pháp và chỉ được hoạt động trong một khuôn khổ nhất định.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội vừa kết thúc điều tra vụ án “đưa hoặc sử dụng thông tin trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet”, đề nghị viện KSND TP Hà Nội truy tố bị can Lê Viết Tám về tội danh trên.
Kết thúc điều tra vụ án này, cơ quan điều tra xác định có tới 877 tài khoản theo dõi, giám sát điện thoại đã được lập, trong đó có 741 tài khoản đang hoạt động thu thập thông tin.
Theo kết luận điều tra, ngày 13/5/2014, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cùng Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Hà Nội, bắt quả tang Lê Viết Tám đang bán phần mềm giám sát điện thoại “mspy” với giá 600.000 đồng cho một khách hàng tại một quán cà phê trên đường Nguỵ Như Kon Tum, Hà Nội.
Kết quả điều tra xác định phần mềm “mspy” khi được cài vào máy điện thoại di động của người khác sẽ có khả năng thu thập thông tin dữ liệu của người sử dụng bao gồm các cuộc gọi, tin nhắn đi/đến, định vị máy điện thoại qua GPS, các dữ liệu hiện có của máy điện thoại, lịch sử truy cập mạng của máy. Phần mềm này chạy ẩn nên người sử dụng không phát hiện được trên điện thoại.