Sau sự cố "mất tích" ngày 18/3, nhiều page có lượt theo dõi lớn tại Việt Nam như "Câu chuyện cuộc sống", "Góc ẩm thực", "Foody.vn", "Kenny Sang" đã hoạt động trở lại.
Trên diễn đàn dành cho các nhà quảng cáo, đại diện người Việt của Facebook tại Singapore cho biết có ba nguyên nhân khiến các fanpage tại Việt Nam bị khoá trong thời gian qua, gồm vi phạm bản quyền, lợi dụng tính năng webiste đi kèm video để chèn link spam, lừa đảo người dùng, lơ là bảo mật khiến hacker chiếm quyền điều khiển trang và xoá đi hoàn toàn.
Một số trang fanpage đã tuân thủ quy định của Facebook, dẫn nguồn video để không vi phạm bản quyền và không dẫn link website lừa đảo, spam bên dưới. |
Cụ thể, theo đại diện này, các fanpage tại Việt Nam muốn "mượn" nội dung từ các trang khác có thể share lại bài gốc hoặc xin phép trực tiếp.
Bên cạnh đó, nhiều trang fanpage lợi dụng tính năng phát video kèm link đang thử nghiệm của Facebook để spam, lừa đảo bằng trang đi kèm bên dưới. Điều này đã vi phạm nguyên tắc cộng đồng của Facebook. Do đó, các chủ trang nên ngừng việc này để tránh bị khoá.
Ngoài ra, đại diện Facebook cũng cho rằng một số quản trị fanpage không sử dụng bảo mật hai lớp, dẫn đến việc bị hacker chiếm quyền tài khoản và huỷ trang.
Sự việc diễn ra trong ngày 18/3 không phải là lần đầu các trang Facebook lớn ở Việt Nam bị khoá. Đầu năm 2017, trang "Nghe gì coi gì", "Welax" và fanpage của Giang Popper với hơn 2,7 triệu lượt like cũng gặp phải tình trạng này.
Trong năm 2015, cái chết của fanpage "Beat.vn", "Thức khuya xem bóng đá" hay "2!Idol" cũng gây xôn xao cộng đồng mạng. Cùng thời điểm đó, giới kinh doanh online tại Việt Nam cũng khóc ròng vì hàng loạt fanpage bị Facebook đóng cửa.
Trong một diễn biến mới, Facebook vừa bổ sung tính năng báo cáo thông tin giả (fake news) để người dùng tố giác các trang đưa thông tin sai lệch. Sau khi đối chiếu, Facebook sẽ tiến hành các biện pháp để ngăn chặn và trừng phạt. Đây là hành động cụ thể hoá cho lời hứa tuyên chiến với tin tức giả của CEO Mark Zuckerberg.
Đầu năm 2017, Bộ TTTT ban hành Thông tư 38, quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới. Theo đó, những trang như Facebook, YouTube có nghĩa vụ hợp tác ngăn chặn những thông tin xấu, độc, xử lý thông tin sai sự thật, xuyên tạc, bịa đặt có ảnh hưởng xấu tới xã hội trên mạng Internet.
Trong tháng 3/2017, một số kênh YouTube đăng tải nội dung không phù hợp đã bị Google gỡ bỏ, hạn chế hiển thị ở Việt Nam. Một số doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines, Samsung, Yamaha cũng đã ngừng quảng cáo trên YouTube sau khi phát hiện chúng được hiển thị trên các video không phù hợp với pháp luật Việt Nam.