Vũ Hán là thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, được ví như "Chicago của phương Đông" vì tầm quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp, vận tải đối với Trung Quốc. Sau khi chính phủ Trung Quốc phong tỏa thành phố này, Vũ Hán trở nên vắng vẻ và phần lớn công nhân hay quản lý vận hành nhà máy đều không thể trở lại làm việc. Ảnh: Getty. |
BOE, hãng sản xuất tấm nền màn hình lớn nhất Trung Quốc có nhà máy sản xuất LCD với công nghệ tiên tiến nhất tại Vũ Hán. Hãng hiện là nhà sản xuất tấm nền LCD cho TV số một thế giới, cạnh tranh với LG và Samsung ở công nghệ OLED. BOE có thể sẽ cung cấp cả màn hình cho iPhone đời 2020. Ảnh: Hubei Gov. |
Foxconn (Hon Hai Precision) cũng có một nhà máy tại Vũ Hán, nhưng chủ yếu sản xuất máy tính. Để đảm bảo an toàn trước dịch bệnh, đối tác gia công iPhone lớn nhất sẽ ngừng hoạt động ở mọi nhà máy tới hết ngày 9/2. Điều này có thể ảnh hưởng mạnh tới nguồn cung iPhone trong thời gian tới. Ảnh: Reuters. |
Nhà máy tại Vũ Hán của Lenovo là nơi sản xuất smartphone lớn nhất của hãng, cung cấp trực tiếp tới 60 thị trường. Lenovo hiện sở hữu thương hiệu smartphone Motorola, với nhiều dòng sản phẩm khá ấn tượng. Ảnh: Glassdoor. |
Đầu năm 2019, Xiaomi chốt kế hoạch xây dựng trụ sở mới với 10.000 kỹ sư tại Vũ Hán. Trụ sở này sẽ là trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của công ty, đồng thời là trụ sở cho mảng kinh doanh, tài chính. Chưa rõ dịch bệnh do virus corona gây ra ảnh hưởng như thế nào tới kế hoạch của Xiaomi. Ảnh: Xiaomi. |
CSOT, công ty sản xuất màn hình thuộc tập đoàn TCL cũng có một nhà máy lớn tại Vũ Hán. Công ty cho biết nhà máy này có thể bị trì hoãn sản xuất vì thiếu hụt nguyên liệu. Ảnh: CSOT. |
Công ty sản xuất chip nhớ lớn nhất Trung Quốc Yangtze Memory thuộc tập đoàn Tsinghua Unigroup vừa khai trương nhà máy hiện đại nhất của họ, với số vốn đầu tư 24 tỷ USD tại Vũ Hán năm 2018. Đây được coi là nỗ lực để Trung Quốc bắt kịp các nước khác về lĩnh vực chip nhớ. Đại diện công ty này cho biết nhà máy ở đây vẫn hoạt động bình thường. Ảnh: Nikkei. |