Canada và Tây Ban Nha là những quốc gia mới nhất thông báo đóng không phận với Nga, theo CNN. Trước đó là Pháp.
"Pháp sẽ đóng không phận với tất cả máy bay và hãng hàng không của Nga từ tối nay (27/2). Với cuộc tấn công vào Ukraine, châu Âu sẽ đáp trả với sự đoàn kết", Bộ trưởng Giao thông Jean-Baptiste Djebbari viết trên Twitter.
Thông báo của ông Djebbari tương tự như nhiều nước khác tại EU. Dù có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Moscow, Đức cũng đóng không phận với Nga trong ba tháng, kể từ 15h ngày 27/2 (giờ địa phương).
"Sau 75 năm hòa bình, chúng ta lại đối mặt với một cuộc chiến ở châu Âu", Bộ trưởng Giao thông Đức Volker Wissing nói.
Trong khi đó, có dấu hiệu cho thấy máy bay Đức cũng không còn được phép bay trong không phận Nga.
Hiện đã có ít nhất 2 máy bay của hãng Lufthansa (Đức) phải bay trở lại, trong khi Lufthansa tuyên bố muốn tránh không phận Nga trong 7 ngày tới.
Hãng hàng không Lufthansa (Đức). Ảnh: Reuters. |
Lệnh cấm trên khắp các nước EU là một phần của những lệnh trừng phạt mới sẽ được các ngoại trưởng EU thảo luận cuối ngày 27/2.
"Tại cuộc họp với các ngoại trưởng EU hôm nay, chúng tôi sẽ thúc đẩy một lệnh cấm trên toàn EU", Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod cho biết.
Quan chức các nước đều chung quan điểm lên án hành động quân sự của Nga tại Ukraine, và cho biết sẽ áp đặt trừng phạt mạnh mẽ nhất có thể.
Spiegel cũng đưa tin các quốc gia vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva cũng sẽ đóng không phận với máy bay Nga.
Lệnh cấm sẽ được áp dụng đồng thời và vô thời hạn với những máy bay được vận hành bởi các hãng hàng không có giấy phép do Nga cấp, ngoại trừ các chuyến bay phải hạ cánh khẩn cấp hoặc chuyến bay nhân đạo.
Trước đó, Ba Lan, Cộng hòa Séc và Bulgaria cũng đã đóng không phận với máy bay Nga.
Các nước hiện tại đã đóng không phận với Nga: Canada, Áo, Anh, Bỉ, Bulgaria, Czech, Đan Mạch, Norway, Đức, Estonia, Phần Lan, Pháp, Iceland, Ireland, Italy, Latvia, Lithuania, Malta, Hà Lan, Ba Lan, Romania, Slovenia, Thụy Điển, Tây Ban Nha.