Theo Wall Street Journal, trong những tuần qua, các ngân hàng trung ương tại Nga, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ đồng loạt tăng lãi suất, một phần nhằm giảm lạm phát do giá hàng hóa tăng vọt.
Khi các nhà máy trên thế giới cố gắng đáp ứng nhu cầu cao từ Mỹ, giá hàng hóa từ thiếc đến đồng đã tăng mạnh. "Điều mà những quốc gia này cần bây giờ là thắt chặt chính sách", bà Tamara Basic Vasiljev, nhà kinh tế của Oxford Economics (London), nhận định.
Sự bùng nổ kinh tế tại Mỹ thúc đẩy nhập khẩu, qua đó hỗ trợ các nền kinh tế khác. Tuy nhiên, nó cũng đẩy lạm phát, lãi suất và giá USD tăng cao. Chúng thắt chặt điều kiện tài chính toàn cầu và trở thành lực cản đối với quá trình phục hồi.
Nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 tăng cao. Ảnh: Reuters. |
Áp lực lạm phát
Đồng USD mạnh hơn sẽ gây tổn hại cho các nền kinh tế thị trường mới nổi vay bằng đồng USD. Điều này cũng giúp những nhà xuất khẩu lớn ở châu Âu và Đông Á, vốn có các sản phẩm xuất khẩu cạnh tranh hơn.
Tại các nền kinh tế phát triển, hầu hết ngân hàng trung ương tin rằng thời kỳ lạm phát gia tăng chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế khẳng định kết quả có thể không như dự đoán.
"Tôi cho rằng khả năng cao là cú sốc giá sẽ diễn ra lâu hơn (dự đoán)", ông Luigi Speranza, Giám đốc kinh tế toàn cầu tại BNP Paribas, bình luận. Ông dự báo lạm phát của Đức có thể vọt lên 4% vào cuối năm nay.
Theo giới chuyên gia, các ngân hàng trung ương tại châu Âu và Nhật Bản phải đưa ra những chính sách phù hợp với khuynh hướng ôn hòa của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Nếu không, sự gia tăng đột ngột của đồng tiền nước họ sẽ cản trở đà phục hồi kinh tế.
Tôi cho rằng khả năng cao là cú sốc giá sẽ diễn ra lâu hơn dự đoán
- Ông Luigi Speranza, Giám đốc kinh tế toàn cầu tại BNP Paribas
“Để ngăn đồng euro tăng sức mạnh, Ngân hàng Trung ương Châu Âu cần ôn hòa như FED. Điều này không dễ dàng bởi tỷ lệ lạm phát và động lực tăng trưởng khác nhau", bà Elga Bartsch, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô tại BlackRock, nhận định.
Tuy nhiên, các nền kinh tế thị trường mới nổi thường không có thời gian chờ đợi. Ngay cả một đợt lạm phát ngắn cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đồng tiền của họ, gây tổn hại tới khả năng trả nợ của các công ty và hộ gia đình (thường bằng đồng USD và euro).
FED đã báo hiệu rằng họ sẽ cẩn thận để tránh lặp lại sự kiện taper tantrum hồi năm 2013. Khi đó, việc Mỹ dừng các gói kích thích đột ngột đã gây ra những phản ứng cực đoan từ phía thị trường. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vội vã rút tiền khỏi những thị trường đang phát triển.
"Vì vậy, mục đích của chúng tôi là quá trình này sẽ diễn ra trật tự, bài bản và minh bạch”, Chủ tịch FED Jerome Powell khẳng định hôm 16/6.
Tuy nhiên, khi lạm phát toàn cầu tăng nhanh, FED đã bắt đầu chuyển hướng. Một số ngân hàng trung ương khác buộc phải hành động.
Đồng loạt nâng lãi suất
Ngân hàng trung ương của Brazil đã công bố mức tăng lãi suất 0,75% lần thứ ba liên tiếp vào hôm 16/6. Cơ quan này cũng phát đi tín hiệu cho các mức tăng lớn hơn trong tương lai. Đất nước phải đối mặt với lạm phát trên 8%.
Ngân hàng Trung ương Nga cũng tăng lãi suất chuẩn ba lần trong năm nay lên 5,5%, sau khi lạm phát tăng vọt lên hơn 6% vào tháng 6. Đây là mức cao nhất trong gần 5 năm.
Hôm 15/6, Thống đốc Elvira Nabiullina khẳng định Nga sẽ tiếp tục tăng lãi suất và không cho rằng điều này cản trở tăng trưởng kinh tế.
"Chúng ta đã giữ lãi suất thấp trong một thời gian để đảm bảo rằng con đường phục hồi của nền kinh tế không bị cản trở. Giờ là lúc tăng lãi suất nhằm đối phó với bối cảnh thay đổi và lạm phát gia tăng", bà khẳng định.
Hồi tháng 3, Ngân hàng trung ương của Thổ Nhĩ Kỳ đã nâng lãi suất lên 19% khi tỷ lệ lạm phát ở mức hai chữ số và đồng lira mất giá. Tuy nhiên, đồng tiền của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bị đè nặng trong những tuần qua.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina trình bày báo cáo thường niên của ngân hàng trước Quốc hội Nga hôm 15/6. Ảnh: Zuma Press. |
Ở các nước nghèo, các mặt hàng thiết yếu như lương thực và năng lượng thường chiếm tỷ trọng chi tiêu lớn. Do đó, những nhà hoạch định chính sách cần nhanh chóng tìm cách giảm lạm phát khi giá cả leo thang.
Các ngân hàng trung ương ở Scandinavia và Hàn Quốc đã phát đi tín hiệu về một kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm hạn chế bong bóng tài sản, nhất là bất động sản. Hôm 17/5, ngân hàng trung ương của Na Uy cho biết sẽ nâng lãi suất vào tháng 9.
Các ngân hàng trung ương ở Trung Âu, bao gồm Hungary và Cộng hòa Séc, cũng dự kiến nâng lãi suất sớm. Trong thời kỳ đại dịch, nền kinh tế của họ không hứng chịu sự sụt giảm lớn như Pháp và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, những quốc gia này đang chứng kiến lạm phát gia tăng.
Ông Iain Stealey - Giám đốc đầu tư thu nhập cố định tại JP Morgan Asset Management - cho rằng FED có thể sẽ xoay sở để tránh lặp lại taper tantrum.
"Nhưng đó là một quá trình dài và tốn nhiều thời gian. Rất khó để làm được điều đó với những bất ngờ về lạm phát", ông Stealey cảnh báo.
"Các vị chỉ nhận ra mình có vấn đề lạm phát, khi vấn đề đó đã xảy ra", ông Klaus Baader, Trưởng bộ phận Kinh tế Toàn cầu tại Société Générale, nhận xét.