Hàng loạt ngân hàng giảm lương lãnh đạo
Xác định tình hình kinh doanh sa sút trong năm 2013, nhiều ngân hàng, doanh nghiệp đã công bố kế hoạch cắt giảm chỉ tiêu kinh doanh, lương thưởng các cấp lãnh đạo.
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho biết, sẽ mạnh tay giảm thù lao của Hội đồng Quản trị (HĐQT). Theo đó, mức thù lao hậu hĩnh theo kế hoạch cho HĐQT lên tới hơn 45 tỷ đồng trong năm 2012, tương đương hơn 4 tỷ đồng/người, sẽ chỉ còn là niềm mơ ước do năm 2013 khoản này bị cắt xuống còn 40 tỷ đồng.
Một số ngân hàng lớn sẽ giảm lương, thưởng, thù lao của lãnh đạo trong năm 2013. |
Vietinbank cũng có kế hoạch giảm thù lao thực trả cho HĐQT, Ban kiểm soát (BKS) trong năm 2013 nếu như không đạt được mục tiêu kinh doanh.
“Các ngân hàng, doanh nghiệp nếu không quản trị tốt thì sẽ có tình trạng ban quản trị, ban lãnh đạo biến báo lỗ thành lãi để nhận thù lao cao. Đến khi hết nhiệm kỳ mới lộ ra là doanh nghiệp bị lỗ và cuối cùng là ngân hàng, doanh nghiệp, cổ đông bị thiệt. Vì vậy, việc giám sát hoạt động chặt chẽ và minh bạch thông tin là yêu cầu tiên quyết với các doanh nghiệp” - theo TS Nguyễn Minh Phong. |
Ngân hàng này dự kiến trả thù lao năm 2013 cho thành viên HĐQT và BKS tương đương 0,29% lợi nhuận sau thuế, tương đương mức bình quân trên 1 tỷ đồng/người. Tuy nhiên, mức thực trả sẽ dựa trên hiệu quả kinh doanh của đơn vị trong năm.
Ngân hàng Techcombank cũng thông báo, mức chi trả thực tế cho HĐQT và BKS trong năm 2012 thấp hơn so với kế hoạch. Theo đó, các thành viên HĐQT và BKS nhận thù lao cố định 21,35 tỷ đồng và 1,89 tỷ đồng thù lao công vụ trong khi kế hoạch đặt ra là 22,41 tỷ đồng, đồng thời không nhận chi trả thù lao thành tích năm 2012. Dự kiến, năm 2013, mức chi trả thù lao của HĐQT và BKS tiếp tục bị cắt giảm xuống còn 20,5 tỷ đồng. Đồng thời ban quản trị cũng không nhận thù lao thành tích trong năm 2013.
Là một trong những ngân hàng thuộc diện phải tái cơ cấu triệt để, tại đại hội cổ đông ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Hà Nội (SHB) tổ chức ngày 5/4, lãnh đạo nhà băng này cho biết sẽ cắt giảm lương mạnh trong năm 2013 đối với mọi cấp, từ lãnh đạo cao nhất đến nhân viên kinh doanh.
Việc cắt giảm này được thực hiện nhằm đạt được nhiều mục đích khác nhau trong đó một phần là chuẩn bị cho Thông tư 02 về trích lập dự phòng tăng thêm của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực từ ngày 1/6/2013, cũng như áp lực phải hoàn thành kế hoạch lợi nhuận hơn 1.140 tỷ đồng trong năm nay.
Trước những đầu việc ưu tiên trên, Chủ tịch SHB, Đỗ Quang Hiển đã đề nghị HĐQT giảm 10% lương. Các bộ phận khác từ cấp giám đốc chi nhánh đến ban điều hành cũng cắt giảm 10% lương; các vị trí tổ trưởng cắt giảm 8%, lương nhân viên kinh doanh giảm 5%.
Việc giảm chi phí cho quản lý của HĐQT và các bộ phận khác theo kế hoạch trên sẽ góp phần giúp lợi nhuận ngân hàng năm 2013 tăng đáng kể.
Chủ tịch HĐQT ngân hàng Eximbank, Lê Hùng Dũng cho biết, ngân hàng này không chỉ dự kiến trả thù lao thấp hơn, mà tỷ lệ cổ tức chia cho các cổ đông cũng sẽ giảm trong năm nay, chỉ ở mức 12%.
Thù lao với thành viên HĐQT và BKS là 1,5% lợi nhuận sau thuế, khoảng 3 tỷ đồng/người. Theo ông Dũng, vì tình hình kinh tế năm nay dự kiến có nhiều khó khăn, biến động, do đó HĐQT và BKS phải nỗ lực rất nhiều để đạt được mục tiêu.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2013 của công ty cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam ngày 24/4, HĐQT nhận định 2012 là năm khó khăn đặc biệt với ngành vận tải biển nên chủ động xin giảm tiền thù lao cho ban lãnh đạo.
Theo đó, trong năm 2012, mức thù lao thực tế chi trả cho HĐQT và BKS là 1,26 tỷ đồng, giảm gần 100 triệu đồng so với quyết toán đầu năm. Mức thù lao năm 2013 giảm thêm 263 triệu đồng, xuống còn 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều cổ đông cho rằng mức thù lao này vẫn là cao và đề nghị tiếp tục giảm nữa. Kết thúc đại hội, các cổ đông và thành viên HĐQT, BKS công ty đã “vui vẻ” biểu quyết giảm thù lao xuống thêm 100 triệu đồng nữa. Như vậy, mức thù lao cho ban quản trị và BKS của đơn vị trong năm 2013 sẽ chỉ còn 900 triệu đồng.
Cảnh giác lãi giả, lỗ thật
Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc các ngân hàng, doanh nghiệp chủ động cắt giảm lương của ban quản trị, ban lãnh đạo là phù hợp với nguyên tắc thị trường và khá sòng phẳng với các cổ đông.
Về nguyên tắc, HĐQT, BKS của các doanh nghiệp khi được bầu lên thì cũng phải theo yêu cầu của các cổ đông là phải đạt được mức lợi nhuận, doanh thu nhất định trong năm. Với mục tiêu đề ra, ban quản trị, ban lãnh đạo doanh nghiệp sẽ giống như các học sinh học kém thì bị phạt, còn giỏi thì sẽ được thưởng.
“Ở nước ngoài các doanh nghiệp, ngân hàng khi gặp khó khăn, không đạt được chỉ tiêu đề ra là ban lãnh đạo sẽ không được nhận lương hoặc bị giảm lương. Điều này khác với một số doanh nghiệp nhà nước thời gian qua dù không đạt được mục tiêu đề ra, thậm chí để doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nhưng vẫn nhận được lương, thù lao ở mức cao”, ông Phong nói.
Theo Tiền Phong