Tập đoàn nhà nước đồng loạt cắt giảm lương
Thực hiện cam kết với Bộ Tài chính về cắt giảm chi phí trong năm 2012, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đồng loạt cắt giảm lương của người lao động từ 5%-30%.
Đại diện một số đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) xác nhận việc cắt giảm lương của người lao động đã được thực hiện từ vài tháng qua. Tại một số đơn vị thuộc EVN, mức cắt giảm lương phổ biến trên 10%, còn tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc không ít cán bộ công nhân viên bị cắt giảm lương ở mức gần 30%.
Theo một cán bộ Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, lương của cán bộ công nhân viên tạm thời vẫn được đảm bảo, nhưng một số khoản phụ cấp ở một vài bộ phận có bị điều chỉnh. Việc giảm phụ cấp một phần do đơn vị phải tiếp nhận thêm người từ EVN Telecom chuyển sang nên “miếng bánh lương” sẽ phải chia nhiều phần hơn.
"Trước thu nhập của tôi ở mức trên 8 triệu đồng/tháng, từ sau Tết đến nay, tiền lương bị giảm xuống còn dưới 6 triệu đồng. Lương cả hai vợ chồng cộng lại hơn 10 triệu/tháng, phải rất chắt bóp mới đủ chi tiêu”, vị cán bộ này cho biết.
Mức cắt giảm lương phổ biến tại nhiều đơn vị của EVN là trên 10%. |
Tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), nơi có mức thu nhập bình quân cao hơn nhiều so với các ngành khác, việc cắt giảm lương của người lao động đã thực hiện từ vài tháng qua.
Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, ông Phùng Đình Thực xác nhận trong kế hoạch tiết giảm chi phí, PVN đã yêu cầu tất cả các đơn vị trong ngành thực hiện cắt giảm quỹ lương nhân viên chung của tất cả các đơn vị trong tập đoàn từ 5%- 10%. “Việc đưa ra chính sách này cũng khiến một số đơn vị kêu vì giảm lương thì một số chuyên gia giỏi sẽ đầu quân sang đơn vị khác. Để giải quyết vấn đề này, PVN có chủ trương với những người có trình độ cao vẫn phải có cơ chế trả thu nhập xứng đáng, còn các vị trí khác sẽ điều chỉnh cho phù hợp với việc cắt giảm quỹ lương chung 5 - 10%”, ông Thực cho biết thêm.
Một lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong cam kết tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh với mục tiêu đạt 1.800 tỷ đồng trong năm 2012, có phần cắt giảm 5% các khoản chi phí và chi tiêu với số tiền tương ứng 160 tỷ đồng; giảm thêm 0,2% tỷ lệ điện tự dùng trong sản xuất, truyền tải và phân phối điện từ 9,5% xuống còn 9,3%.
Đặc biệt, việc cắt giảm chi phí lớn nhất là tiết kiệm 1% sản lượng điện tiêu dùng trong xã hội với số tiền tương ứng khoảng 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này từ chối bình luận về việc tiết giảm lương của người lao động.
Lãnh đạo nên tự giảm lương
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc các tập đoàn dùng chủ trương tiết giảm chi phí để giảm lương người lao động là sai. Vì chủ trương cam kết giảm chi phí của Chính phủ cũng nói rõ là không được giảm tiền lương của người lao động.
"Tiền lương phải tương ứng với trách nhiệm của người đứng đầu. Ở ta khi thưởng thì người đứng đầu các tập đoàn luôn cao nhất, còn khi có việc gì thì không có ai sẵn sàng đứng ra đầu tiên để tự cắt giảm lương của mình”.
“Điều cơ bản trong cắt giảm chi phí là nhằm giúp các đơn vị cải thiện việc quản lý, hệ thống sao cho năng suất hơn, giúp tiết kiệm chi phí, hạn chế lãng phí. Cắt giảm lương của người lao động là cái dễ nhất trong khi các chi phí, tốn kém khác có thể không bị động đến”, bà Lan nói.
Theo bà Lan, trước hết phải xem cơ cấu tiền lương của người lao động chiếm bao nhiêu phần trăm chi phí của các tập đoàn, tổng công ty. Nếu chiếm phần rất lớn thì phải so sánh tương quan với năng suất.
Như với ngành điện, các chuyên gia cũng chỉ rõ cùng một sản lượng điện như vậy nhưng ở các nước, tỷ suất người lao động thấp hơn ở Việt Nam rất nhiều. Đây là sự lãng phí nguồn nhân lực và điều này khiến chi phí của doanh nghiệp bị đội lên nhiều. Việc cắt giảm lương khi đơn vị khó khăn là cần thiết, nhưng cần bắt đầu từ lãnh đạo đơn vị.
“Bộ Tài chính phải giám sát các đơn vị có cắt giảm đúng ở những khâu cần cắt giảm không. Như vậy hiệu quả của chủ trương cắt giảm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh sản phẩm mới đạt được”, bà Lan nói.
Theo Tiền Phong