China Evergrande - tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 thế giới - đang loay hoay thoát ra khỏi hố sâu nợ nần. Còn cuộc sống của các nhân viên và nhà thầu làm việc cho tập đoàn trở nên bấp bênh.
Theo Nikkei Asian Review, tuần trước, khoảng 10 người ở tuổi trung niên đã tập trung trước lối vào văn phòng của tập đoàn tại Thái Dương (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc). Họ đến đây trong nhiều ngày để đòi lại tiền.
"China Evergrande có thể đã không thể thanh toán lãi trái phiếu như báo đài đưa tin", ông Li, người đứng đầu nhóm biểu tình, nói. "Nhưng đó là vấn đề của họ. Chúng tôi chỉ muốn những gì thuộc về chúng tôi", ông gay gắt.
Nhóm người tập trung trước lối vào văn phòng của tập đoàn tại Thái Dương. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Rơi vào tuyệt vọng
Ông Li là một trong những nhà thầu phụ của dự án phát triển 110 tỷ NDT (17 tỷ USD) của China Evergrande ở Thái Dương. Các nhà thầu phụ thực hiện gói thầu theo hợp đồng được ký với nhà thầu chính. Ông cho biết tập đoàn đã nợ công ty của mình 15 triệu NDT trong 2 năm qua.
"Nhà thầu chính đã biến mất vài tháng trước. Chúng tôi chỉ còn cách tìm đến China Evergrande", ông Li than thở. Ông đã nợ các công nhân của mình hàng tháng lương. Ông Li chỉ biết xoa dịu họ bằng cách cùng họ đến biểu tình.
"Chúng tôi không muốn chặn hoàn toàn lối vào. Bởi vẫn còn những vị khách tới đây để mua nhà", ông Li nói. "Chúng tôi cũng đã giăng biểu ngữ nhưng phải dừng lại sau khi cảnh sát can thiệp", ông kể thêm.
Ngày càng nhiều cuộc biểu tình xuất hiện tại các văn phòng của China Evergrande. Xe cảnh sát phải đỗ gần những văn phòng này.
Dự án tại Thái Dương được China Evergrande quảng cáo là "nằm ở vị trí trung tâm" của đồng bằng sông Dương Tử. Dự án bao gồm nhà ở, không gian bán lẻ, khách sạn và trung tâm chăm sóc sức khỏe. Điểm nổi bật của dự án là một công viên chủ đề tiêu chuẩn quốc tế nhằm thu hút du khách từ Thượng Hải.
Một nửa trong số 800 dự án của China Evergrande đã bị dừng thi công. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Giống hàng trăm dự án khác của China Evergrande, các công trình tại Thái Dương đã bị trì hoãn trong nhiều tháng. Tập đoàn bất động sản chật vật với khoản nợ hơn 300 tỷ USD. Số tiền phải trả cho các nhà thầu bắt đầu chồng chất.
"Ở đây từng có nhiều nhân viên bảo vệ. Nhưng họ đã rời đi", một người làm vườn đang tưới cây ở lối vào công viên giải trí tiết lộ. "Tôi cũng sẽ nghỉ việc vào cuối tháng", cô chia sẻ. Cô bị China Evergrande nợ 4 tháng lương.
Trước đây, khoảng 300 công nhân chạy đua với thời gian để hoàn thành 19 chung cư cao tầng, dự kiến giao vào năm 2023. Giờ, những tòa tháp dân cư dở dang nằm im lìm.
Tuy nhiên, ông Zhang - một người lao động nhập cư từ tỉnh Hồ Bắc - vẫn ở lại. "Tôi phải nuôi hai con trai", ông chia sẻ. Con trai lớn của ông là sinh viên năm 2 đại học. Chi phí sinh hoạt mỗi tháng là 2.000 NDT. Đứa con còn lại sẽ nhập học trong năm nay và cần 1.500 NDT/tháng.
Cố tự trấn an
Các công nhân xây dựng như ông Zhang chỉ nhận được chi phí sinh hoạt hàng tháng khoảng 2.500 NDT. 2/3 số tiền còn lại sẽ được trả một lần trước Tết Nguyên đán.
Ông Zhang tự thuyết phục bản thân rằng sẽ nhận được phần tiền còn lại vào cuối năm. "Tôi rất vất vả để kiếm được khoản tiền đó. Hơn nữa, tôi đã gắn bó với công ty trong 3 năm", ông chia sẻ.
Ông Zhang được ban quản lý thông báo rằng chính quyền địa phương đã can thiệp với các ngân hàng và nhà thầu của China Evergrande, giúp giải ngân khoản vay dễ dàng.
"Sau khi thanh toán hết cho các nhà thầu, chúng tôi sẽ tiếp tục công việc vào tháng tới", ông nói trong niềm hy vọng.
Tại văn phòng bán hàng gần đó, một thông báo được dán ở lối vào. Theo thông báo, việc giao nhà cho khách mua sẽ bị trì hoãn vì hoạt động xây dựng đình trệ. "China Evergrande tôn trọng các hình phạt đối với việc giao muộn được quy định trong hợp đồng", thông báo ghi.
"Chúng tôi đang làm việc với các nhà chức trách để khôi phục hoạt động", một nhân viên bán hàng cho biết. Tuy nhiên, người này không nói cụ thể về thời gian khởi động lại hoạt động xây dựng.
Khi các dự án bị đình trệ, nhiều nhà thầu không thể trả tiền cho công nhân. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Tình cảnh tương tự cũng xảy ra trên khắp đất nước. Các khách hàng và nhà thầu của China Evergrande không ngừng phàn nàn trên mạng xã hội.
Trong khi đó, tỷ phú Hứa Gia Ấn - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch China Evergrande - lạc quan rằng họ sẽ giải quyết được các vấn đề tài chính.
"Chúng ta nên nâng cao nhận thức, hòa chung suy nghĩ, cống hiến hết mình để tiếp tục công việc và xây dựng nhằm đảm bảo việc giao nhà cho khách hàng", ông Hứa nhấn mạnh với khoảng 4.000 giám đốc điều hành của tập đoàn.
Tuy nhiên, ông Li - nhà thầu phụ của tập đoàn - vẫn chưa thấy bất cứ dấu hiệu nào về khoản thanh toán từ China Evergrande. Ông cho biết sẽ đến đòi tiền mỗi ngày cho đến khi tập đoàn chú ý tới.
"Điều đó có thể vô ích. Nhưng chúng tôi chẳng thể tìm ai khác", ông Li tuyệt vọng.