Một bến tàu biển ở phía tây Thổ Nhĩ Kỳ trở nên tấp nập khi 5 du thuyền cỡ lớn đang được tháo dỡ để bán phế liệu sau khi đại dịch Covid-19 hủy hoại ngành công nghiệp này, người đứng đầu một nhóm tái chế cho biết ngày 2/10.
Các du thuyền nằm trong số những ổ dịch đầu tiên bùng phát Covid-19 khi đại dịch bắt đầu lây lan toàn cầu vào đầu năm nay.
Vào tháng 3, các nhà chức trách Mỹ đã ban hành lệnh cấm ra khơi đối với tất cả du thuyền đang neo đậu. Việc không còn giá trị sử dụng khiến nhiều du thuyền phải kết thúc sứ mệnh ở các cơ sở tháo dỡ để bán phế liệu.
Du thuyền cập bến cảng tháo dỡ ở thành phố cảng Aegean, Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters. |
Ngày 2/10, hàng chục công nhân đã tham gia bóc tường, dỡ cửa sổ, sàn và lan can của nhiều tàu đang đậu tại bến ở Aliaga, một thị trấn cách Izmir 45 km về phía bắc, trên bờ biển phía tây Thổ Nhĩ Kỳ. Sẽ có thêm ba tàu nữa được tháo dỡ.
Trước đại dịch, các bãi phá dỡ tàu cũ ở Thổ Nhĩ Kỳ thường xử lý các tàu chở hàng và container - Chủ tịch Hiệp hội các nhà công nghiệp tái chế tàu, Kamil Onal, nói với Reuters.
Nhà máy phá dỡ tàu đặt mục tiêu tăng khối lượng thép tháo dỡ từ 700.000 tấn vào tháng 1 lên 1,1 triệu tấn vào cuối năm nay. Ảnh: Reuters. |
“Nhưng sau đại dịch, các du thuyền đổ về Aliaga rất đáng kể”, ông nói. “Khủng hoảng lại thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực này. Khi du thuyền không được sử dụng, họ chuyển sang phá dỡ nó”.
Ông Onal cho biết khoảng 2.500 người đã làm việc tại đây, chia thành các nhóm, mất khoảng sáu tháng để tháo dỡ toàn bộ một du thuyền. Các tàu chủ yếu đến từ Anh, Italy và Mỹ.
Nhà máy phá dỡ tàu đặt mục tiêu tăng khối lượng thép tháo dỡ từ 700.000 tấn vào tháng 1 lên 1,1 triệu tấn vào cuối năm nay.
Ông nói: “Chúng tôi đang cố gắng biến cuộc khủng hoảng thành một cơ hội”.
Ảnh chụp bến cảng dỡ tàu ở Aegean từ trên cao. Ảnh: Reuters. |
Ngay cả các phụ kiện phi kim của tàu cũng không bị lãng phí vì các nhà điều hành khách sạn đã đến bãi tìm mua những vật liệu hữu ích, ông cho biết.