Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng không Việt Nam 'phủ sóng' mọi sân bay quốc tế năm 2020

Theo dự thảo Đề án tái cơ cấu vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, ngành này sẽ có hoạt động khai thác đến toàn bộ các cảng quốc tế.

Tăng thị phần khách quốc tế lên 45,9%

Báo cáo tại cuộc họp bàn Đề án tái cơ cấu vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, diễn ra chiều 9/4, Trưởng phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, theo Dự thảo đến 2020, vận tải hành khách nội địa chiếm tỷ trọng 3,23%; vận tải hàng hóa nội địa chiếm khoảng 0,04% trong tổng thể ngành giao thông vận tải (GTVT).

Dự thảo cũng thể hiện tăng thị phần vận tải hành khách quốc tế đối với hàng không Việt Nam lên 45,9%. Đến năm 2020, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đứng thứ 5 trong ASEAN.

Dự thảo nêu rõ, đến năm 2020, hàng không Việt Nam sẽ có hoạt động khai thác quốc tế thường lệ đến toàn bộ các cảng hàng không (CHK) quốc tế được công bố; tăng tần suất trên các đường bay hiện tại đến toàn bộ các CHK nội địa, với tối thiểu 7 chuyến/tuần. Tất cả các hãng hàng không đều có hoạt động khai thác thường lệ trên tất cả các đường bay phục vụ KT-XH.

Thị trường vận tải hàng không Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng cao trong 10 năm gần đây.

Thị trường vận tải hàng không Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng cao trong 10 năm gần đây.

Đến năm 2020, đội máy bay đạt 190-210 chiếc. Các hãng hàng không truyền thống xếp hạng 4-5 sao theo tiêu chí đánh giá của Skytrax, các hãng chi phí thấp có chất lượng ngang bằng với các hãng cùng loại trong khu vực. Tỷ lệ chậm chuyến, hủy chuyến ở mức 12-15%; giảm tỷ lệ không hài lòng của hành khách qua các năm…

Cần đòn bẩy tạo đột phá

Để đạt mục tiêu trên, Cục Hàng không đề ra một loạt nhiệm vụ, giải pháp. Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Trịnh Ngọc Thành cho rằng, diễn biến thị trường thay đổi nhanh chóng trong năm qua và những tháng đầu năm nay.

“Tôi cho rằng, thay vì đưa chỉ tiêu vận tải hành khách nội địa chiếm bao nhiêu phần trăm, nên đưa chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể của vận tải hàng không trong giai đoạn 2015 - 2020 sẽ thiết thực hơn. Các doanh nghiệp trong ngành sẽ hiểu, hàng không phải cố gắng như thế nào, cơ sở hạ tầng phải đáp ứng ra sao”, ông Thành nói.

Ông Thành cũng bày tỏ sự e ngại về khả năng phát triển để đạt các mục tiêu trên. “Chúng tôi rất phân vân kế hoạch phát triển đội bay, mạng đường bay. Hiện nay, Tân Sơn Nhất là sân bay chính,  và là sân bay lớn nhất của các hãng hàng không quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên, sân bay này đang hạn chế điều phối hạ cất cánh (slot) là 35 lượt/giờ.

Thực tế, điều hành khai thác mùa thấp điểm đã 32-33 lượt, cao điểm là tháng 7 đã vượt quá 35 lượt, dịp Tết là 40 lượt. Tôi không hiểu còn cơ hội gì để các hãng hàng không phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2020”, ông Thành cho biết.

Đồng quan điểm, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT) Trần Minh Phương cũng cho rằng, nếu đặt mục tiêu đẩy mạnh thị phần, phải nêu rõ chính sách gì để hỗ trợ? Tăng trưởng như thế nào là hợp lý.

Cũng như vậy, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu khẳng định, xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành GTVT là nhiệm vụ quan trọng. Muốn vận tải hàng không phát triển, các lĩnh vực khác như hạ tầng, quản lý bay cũng phải phát triển đồng bộ.

“Với hạ tầng CHK, sân bay, ngoài việc tăng cường đầu tư nâng cấp cũng cần tìm phương án khai thác hiệu quả hơn. Quản lý hoạt động bay cũng phải có sự tăng trưởng phát triển đồng bộ, để phục vụ tăng trưởng vận tải”, Thứ trưởng Tiêu nói.

Cùng đó, Thứ trưởng Tiêu yêu cầu cơ quan xây dựng đề án cần rà soát kỹ càng, loại bỏ những chỉ tiêu không hợp lý, không để soạn thảo văn bản thì dễ mà thực thi lại khó. Xây dựng các chính sách phát triển vận tải hàng không phải chú ý cả truyền thống và giá rẻ. 

Trong hơn 10 năm trở lại đây, thị trường vận tải hàng không Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng cao, liên tục, với tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2001-2014 là 14,5% về hành khách và 15,3% về hàng hóa. Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), thị trường Việt Nam đứng thứ ba thế giới về tốc độ tăng trưởng.

Hiện nay, có 4 hãng hàng không Việt Nam gồm: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, VietJet Air và VASCO, khai thác 111 máy bay, 56 đường bay quốc tế, 46 đường bay nội địa.

Thị phần vận chuyển hành khách quốc tế của các hãng năm 2014 là 44,3%. Có 51 hãng hàng không nước ngoài thuộc 25 quốc gia và vùng lãnh thổ khai thác 83 đường bay từ 47 điểm đi/đến Việt Nam. Trong đó có sự tham gia của nhiều hãng lớn trong khu vực và trên thế giới.


Tư nhân đầu tư sân bay: Người trong cuộc nói gì?

Kế hoạch xã hội hóa đầu tư sân bay, với mục tiêu trong 5 năm tới thu hút khoảng 110.000 tỷ đồng từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đang thu hút sự chú ý của dư luận.

http://www.baogiaothong.vn/hang-khong-viet-nam-phu-song-moi-san-bay-quoc-te-nam-2020-d101768.html

Theo Thanh Bình/Giao Thông

Bạn có thể quan tâm