Thế giới ghi nhận nhiều vụ chiếu laser vào máy bay trước và sau khi hạ cánh. Ảnh: Transport Canada |
Tại Mỹ, số vụ chiếu laser uy hiếp an toàn bay ở Mỹ năm 2016 tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Theo thống kê từ trang Laserpointersafety.com, trong 6 tháng đầu năm nay, các phi công báo cáo lên Cơ quan Hàng không Dân dụng Mỹ 2.925 vụ chiếu laser vào máy bay so với 2.194 vụ trong cùng giai đoạn năm 2015.
Trong khi đó, tại Anh, tổng cộng 94 sự cố liên quan tới laser được ghi nhận tại sân bay Birmingham và 121 vụ ở sân bay quốc tế Heathrow, London, trong năm 2015. Heathrow được cho là phi trường ở Anh bị ảnh hưởng tồi tệ nhất từ các sự cố liên quan tới laser, theo Cơ quan Hàng không Dân dụng Anh. Toàn nước Anh ghi nhận 1.439 vụ laser uy hiếp an toàn bay của phi cơ. Con số này tương đương năm 2014 với 1.447 vụ, theo Birmingham Mail.
Tại Canada, thống kê về các vụ chiếu laser uy hiếp an toàn bay tại các phi trường được công bố là gần 600 vụ. Con số này cao hơn 502 vụ trong năm 2014.
Con số thống kê các vụ laser uy hiếp an toàn bay ở Mỹ qua các năm. Đồ họa: Laserpointersafety.com |
Liên tiếp xảy ra
Tháng 1/2014, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thông báo mở rộng chương trình trao thưởng 10.000 USD cho bất kỳ ai có thông tin dẫn tới việc bắt giữ các đối tượng chiếu laser vào trực thăng và máy bay dân sự.
Trong khi đó, tại Anh, các bộ trưởng nước này hồi tháng 2 tuyên bố sẽ đối thoại với Cơ quan Hàng không Dân dụng, Cơ quan Y tế công cộng, Sở cảnh sát, Cơ quan Sức khỏe Cộng đồng, Phòng Tiêu chuẩn Thương mại nhằm thảo luận các biện pháp hạn chế việc bán thiết bị chiếu laser. Họ cũng yêu cầu liên đoàn các phi công và cảnh sát xếp thiết bị này vào loại “những vũ khí tấn công”.
Bất chấp nỗ lực của giới chức và cơ quan hàng không các nước nhằm ngăn các vụ laser uy hiếp an toàn bay, tình trạng này vẫn diễn ra "như cơm bữa".
Tòa án Anh hồi tháng 2 phạt tù Philip Houghton, 25 tuổi, ở thành phố Hull. Thanh niên này bị phạt tù 20 tuần vì chiếu bút laser vào một trực thăng cảnh sát trước đó 1 tháng. Houghton nói anh ta mua chiếc bút laser giá 13 USD từ Trung Quốc và chiếu vào trực thăng vì thấy…nhàm chán trong khi đang chờ đợi, theo Daily Mail.
Bản án dành cho Houghton được tuyên chỉ vài ngày sau khi một chuyến bay từ London tới New York chở hàng trăm người buộc phải quay đầu về sân bay Heathrow khi phi công bị một chùm sáng chiếu vào mắt.
Nhiều người bị phạt tù vì chiếu tia laser để trêu chọc các phi công. Ảnh minh họa: Tested |
Ngày 17/2, phi hành đoàn trên chuyến bay của hãng hàng không Alitalia (Italy) chở Đức Giáo hoàng từ Havana (Cuba) tới Mexico báo cáo họ trông thấy một luồng ánh sáng laser trên không khi máy bay đang ở độ cao 8.000 feet (hơn 2.400 m) và chuẩn bị hạ cánh tại thành phố Mexico. May mắn, phi hành đoàn và hành khách không bị ảnh hưởng bởi chùm sáng và máy bay sau đó hạ cánh an toàn, theo tuyên bố của hãng Alitalia.
Trước đó vài ngày, hôm 14/2, một chuyến bay của hãng Virgin Atlantic từ London, Anh tới New York, Mỹ bị laser tấn công ngay khi cất cánh từ sân bay Heathrow (Anh), khoảng 9h30. Máy bay Airbus A340 tiếp tục bay nhưng sau đó buộc phải quay trở lại sân bay ban đầu sau khi vượt qua Ireland. Phi công thông báo tình huống khẩn cấp về y tế, nhưng không đe dọa tới tính mạng, do ảnh hưởng từ tia laser.
Trang web của hãng hàng không Virgin Atlantic viết: “Sau khi sự việc xảy ra, phi công chính cảm thấy không khỏe. Cả hai phi công quyết định trở về Heathrow, chứ không vượt qua Đại Tây Dương”. Sau quá trình điều tra, cảnh sát nói nguồn laser phát ra từ vị trí cách sân bay từ 9 tới 11 m.
FAA và CAA báo cáo khoảng 40.000 sự việc liên quan với laser xảy ra từ năm 2014 tới 2015. Tuy nhiên, sự cố ngày 14/2 là lần đầu tiên một máy bay thương mại không hoàn thành chuyến bay và buộc quay về sân bay do sự cố chiếu đèn laser từ mặt đất.
Ngày 21/12/2015, thiếu niên Canada Akshay Sharma được miễn tội có điều kiện và chịu phạt 30 giờ lao động công ích vì chiếu laser vào trực thăng cảnh sát tại thành phố Winnipeg hồi tháng 6. Do tác động từ laser, phi công bị phân tán và mất phương hướng. Luật sư của Sharma biện hộ rằng, thân chủ của ông “chỉ muốn tìm hiểu xem liệu laser có thể đạt tới độ cao bao nhiêu khi được chiếu lên bầu trời” và “không có ý định tạo ra mối nguy hiểm”.
Chiếu laser vào máy bay nguy hiểm như thế nào?
Laser được phân loại theo cường độ phát ra ánh sáng, gồm laser độ 1, trong đó có những thiết bị dùng để bật đĩa CD, laser độ 4 – đủ mạnh để cắt đứt kim loại và khiến nạn nhân gặp các vấn đề về mắt.
Theo chính phủ Anh, các bút laser là thiết bị chiếu laser gây tác động nhiều nhất tới hoạt động của các máy bay. Bút laser sử dụng lượng điện tối đa là 1 miliwatt (mW) khi phát sáng. Mức độ này khá yếu không gây hại trực tiếp cho mắt tuy nhiên có nguy cơ gây lóa mắt và phân tán thấp nhất xuất hiện ban đêm đều đặt phi hành đoàn và hành khách trên máy bay vào thế nguy hiểm.
Một số thiết bị laser có công suất cao tới vài trăm mW, thường phát ra chùm tia sáng xanh lá cây. Loại laser này cực kỳ nguy hiểm, ông Stephen Landells, chuyên gia an toàn bay tại Hiệp hội phi công các hãng hàng không Anh, nhận định.
Thiết bị laser này có thể chiếu ánh sáng tới khu vực cách xa tới hơn 8 km. Ảnh: FAA |
“Nó rất giống chớp ở chỗ nó diễn ra rất tức thời, ánh sáng rất mạnh và chói. Nếu nhắm trúng mục tiêu chính xác, laser có thể làm hỏng vĩnh viễn thị lực của một người”, BBC dẫn lời phi công Janet Alexander nói.
Fahd Quhill, bác sĩ nhãn khoa tại bệnh viện Hoàng gia Hallamshire (Anh) cho hay, mọi tia laser đều có khả thể đánh lạc hướng và khiến phi công mất tập trung. Các tia laser sẽ có thể khiến người khác mù lòa ở độ cao 1.300 feet (396 m).
Ông từng điều trị cho một phi công bị thương bởi laser. Nó khiến anh ấy bị mù tạm thời trong 45 phút và sau đó bị tổn thương võng mạc vĩnh viễn. Ngoài ra, phi công cũng có thể cảm thấy "rất đau đầu" khi trúng tia laser từ mặt đất.