Anh Peter Hiếu, một Việt kiều Đức, tỏ ra hụt hẫng khi Hàng không Lufthansa (Đức) tuyên bố ngưng bay tới Việt Nam từ ngày 25/3. “Chính sách giá khuyến mãi của các hãng Trung Đông khiến Lufthansa không thể tiếp tục gồng mình chịu lỗ và buộc phải rút lui”, anh nói.
Châu Âu rút lui
Năm 1991, khi thị trường hàng không Việt Nam vẫn còn trong buổi sơ khai, Lufthansa đã mở đường bay nối liền Frankfurt với TP.HCM, nhằm đón đầu cơ hội. Sau gần 1/4 thế kỷ hoạt động với tần suất 3 chuyến/tuần, Hãng đã nói lời chia tay. Theo thông tin từ Lufthansa, văn phòng của hãng tại TP.HCM sẽ sớm đóng cửa. Riêng bộ phận bán vé vẫn tiếp tục hoạt động để bán các tuyến từ Bangkok và Singapore đi Đức. Tất nhiên, phòng vé mới sẽ bị thu hẹp diện tích và nhiều khả năng sẽ phải chuyển sang chỗ mới với giá thuê thấp hơn.
"Cách đây 6 tháng, Lufthansa đã không đăng ký lịch bay mùa hè với Cục Hàng không Việt Nam (CAAV), nên việc hãng này ngưng hoạt động cũng đã được đoán trước", ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng CAAV, cho biết. Đề cập tới hiệu quả kinh doanh của Lufthansa, ông Cường cho rằng, rất khó đánh giá vì hãng phải qua một điểm dừng là Bangkok. Trong khi đường bay tương tự của Vietnam Airlines từ Hà Nội/TP.HCM tới Frankfurt vẫn đang được khai thác tốt, và Vietnam Airlines đang xin tăng thêm chuyến.
Đối với đường bay Frankfurt - TP.HCM quá cảnh Bangkok, có thời gian Lufthansa đã đưa vào sử dụng cả loại máy bay thân dài, tầm bay xa là Airbus A340-600 nhằm cải thiện hoạt động. Một giải pháp khác cũng từng được hãng áp dụng là bay từ Munich đến TP.HCM, thay vì từ Frankfurt. Nhưng sau 23 năm, thị trường Việt Nam vẫn quá thách thức đối với Lufthansa.
Một so sánh nhỏ giữa điểm đến TP.HCM với Kuala Lumpur sẽ cho thấy rõ điều này. Tính đến nay, Lufthansa đã khai thác đường bay Frankfurt - Kuala Lumpur quá cảnh Bangkok được hơn 30 năm. Ngay sau khi tuyên bố cắt đường bay tới Việt Nam, Hãng lập tức nâng cấp chặng Frankfurt - Kuala Lumpur thành 5 chuyến bay thẳng, không quá cảnh ở Bangkok.
Sự ra đi chưa hẹn ngày trở lại của Lufthansa cho thấy thị trường Việt Nam dường như vẫn ít có duyên với các hãng hàng không châu Âu, khi trước đây một số hãng phải nói lời chia tay Việt Nam. Đó là KLM Royal Dutch Airlines (Hà Lan), Lauda Air (Áo), Swissair (Thụy Sĩ), Aerosvit (Ucraina) và S7 (Nga).
Việc Lufthansa rút khỏi thị trường khá giống với trường hợp của KLM vì kinh doanh không hiệu quả đường bay TP.HCM - Amsterdam sau 5 năm hoạt động (1993-1998). Sau khi rút lui, KLM cũng chỉ duy trì phòng vé được vài năm trước khi chính thức đóng cửa, nhường chỗ cho Air France làm đại diện duy nhất tại Việt Nam. Trước đó, KLM và Air France đã ký kết liên minh chiến lược, nhằm bổ sung thế mạnh cho nhau, nhất là tại khu vực châu Á. Hiện nay, chỉ còn một hãng châu Âu bám trụ từ trước năm 1975 đến nay là Air France, với 4 chuyến bay/tuần nối Paris với TP.HCM.
Thị trường Việt Nam vẫn quá thách thức đối với Lufthansa. |
Trung Đông tung hoành
Anh Hoàng Anh Tuấn, cựu Giám đốc tiếp thị của Lufthansa tại Việt Nam cho biết, một trong những nguyên nhân thua lỗ của Hãng là không thể cạnh tranh được với giá vé linh hoạt của các hãng hàng không Trung Đông tại Việt Nam. “Có thời điểm, cả Emirates, Qatar lẫn Etihad chỉ chào mức giá xấp xỉ 900 USD cho vé khứ hồi từ TP.HCM - Frankfurt. Lufthansa không thể đấu nổi, vì phải bán với giá 1.200-1.300 USD”, anh Tuấn nói. Chưa hết, đối với vé đoàn du lịch từ TP.HCM đi Bangkok, hãng này cũng không thể thắng được với giá 130 USD/khách (nhóm 15 khách) so với mức chỉ dưới 110 USD của các đối thủ đang khai thác chặng này.
Hiện cả 3 hãng từ Trung Đông là Emirates Airlines, Qatar Airways lẫn Etihad Airways đều có chuyến bay hàng ngày đến TP.HCM. Riêng Qatar còn bay mỗi ngày giữa Hà Nội với Doha. Tháng 6/2012, Emirates đã mở đường bay Dubai - TP.HCM, với mục tiêu là khách du lịch, doanh nhân và người đi xuất khẩu lao động. Hiện có khoảng 8.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Dubai. Từ đây, hành khách có thể kết nối với 31 điểm đến tại châu Âu, với hàng trăm chuyến bay mỗi ngày. Do đó, hãng có thể cạnh tranh với Lufthansa về giá vé và thời gian bay.
Trong khi đó, với 11 chuyến/tuần giữa Doha - Hà Nội và TP.HCM, Qatar Airways là hãng Trung Đông có tần suất bay dày đặc nhất hiện nay. Hồi tháng 10/2013, Hãng Etihad Airways cũng đã khai trương đường bay Adu Dhabi - TP.HCM và bay mỗi ngày. Đại diện các hãng Emirates và Etihad đều cho biết sẽ sớm mở đường bay từ Dubai và Adu Dhabi tới Hà Nội để tăng cường khả năng cạnh tranh. Như vậy, với sự rút lui của Lufthansa khỏi thị trường Việt Nam, chắc chắn sắp tới, các hãng Trung Đông sẽ tiếp tục gây sức ép lên Air France lẫn Vietnam Airlines và các hãng châu Á khác.