Lỗ vì chi phí điều hành
Theo Hiệp hội hàng không quốc tế (IATA), năm 2013, ngành công nghiệp Hàng không châu Âu tiếp tục hoạt động không có lãi. Tony Tyler - lãnh đạo IATA cho rằng, ngành Hàng không ở "lục địa già" đang đứng thăng bằng trên lưỡi dao sắc bén, thậm chí cả những hãng hàng không có uy tín và vững chắc bậc nhất cũng cảm nhận được áp lực nặng nề. Chỉ cần nhìn vào bản dự báo lợi nhuận năm sẽ thấy được rủi ro đang ở ngay sau lưng ngành Hàng không châu Âu.
Theo Hiệp hội hàng không châu Âu, năm 2013, ngành này sẽ lỗ khoảng 1,5 tỷ USD. Trong khi đó, các hãng hàng không Mỹ lại được kì vọng là sẽ hoạt động có lãi, lợi nhuận đạt tương đương 3,4 tỷ USD. Theo ông Tyler, sự khác biệt này một phần là do sự tăng trưởng kinh tế chậm chạp ở châu Âu trong thời gian này.
Hãng Hàng không Iberia dự kiến cắt giảm 4.500 việc làm. |
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, ngành Hàng không bị ảnh hưởng bởi thứ gọi là “sự phiền hà” của những quy định và luật pháp trong lòng châu Âu. Ông đưa ví dụ rất đơn giản: “Có rất nhiều chuyến bay chậm trễ mà nguyên nhân không phải từ các hãng hàng không vậy mà các hãng này không những phải bồi thường cho hành khách mà còn chịu nhiều chi phí khác do việc chậm chuyến gây ra”. Ngoài ra những chi phí kèm theo không dừng ở đó, nên nhớ, chi phí điều hành hàng không ở châu Âu cao gấp đôi Mỹ.
Chi phí cho hoạt động mặt đất cũng khác nhau nhiều. Các Chính phủ châu Âu đang khó khăn, không ngần ngại tăng các loại phí đánh vào sân bay khiến hàng không lĩnh đủ thách thức. Ông Tony Tyler lập luận rằng: “Các hãng hàng không ở châu Âu đang phải đối mặt với rào cản rất lớn trong quá trình duy trì lợi nhuận dù ở mức thấp. Họ nặng gánh từ sự tăng của phí sân bay đến cơ sở hạ tầng hàng không”. Các sân bay ở Madrid và Barcelona là một ví dụ, những loại phí đánh vào hàng không đã tăng tới 50%.
Trào lưu tái cơ cấu và sáp nhập
Mặc dù cố gắng giảm chi phí thông qua sáp nhập, hợp nhất và tái cơ cấu, nhiều hãng hàng không châu Âu vẫn phải đối mặt với bàn tay sắt của Chính phủ thông qua các quy định mới được ban hành. Tyler nói: “Chỉ cần nhìn vào những gì đang xảy ra ở Tây Ban Nha với hãng Hàng không Iberia là rõ. Thực sự là khó khăn cho họ để thực hiện quá trình tái cơ cấu cực kì cần thiết trong môi trường kinh doanh như vậy”.
Iberia - hãng Hàng không lớn nhất Tây Ban Nha năm nay dự kiến cắt giảm 4.500 việc làm trong tổng số 15.500 nhân viên nhằm tránh nguy cơ phá sản và có thể tiếp tục trụ vững trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tại Khu vực đồng euro. Giám đốc điều hành hãng Iberia, Rafael Sanchez-Lozano cho biết, hiện hãng đang kinh doanh thua lỗ trên tất cả các thị trường và việc đưa ra quyết định khó khăn này là nhằm cứu vãn tình thế và đưa hãng trở lại kinh doanh có lãi. Nhân viên Iberia đã đình công 5 ngày để phản đối. Trước đó Iberia đã sáp nhập với hãng British Airways (Anh).
Để tháo gỡ khó khăn, Tony Tyler kêu gọi các Chính phủ châu Âu phải làm nhiều việc hơn nữa để hỗ trợ ngành hàng không. Một số biện pháp có thể thực hiện là giúp giảm chi phí điều hành bằng cách lắp đặt thêm đường băng, xóa bỏ nhiều quy định phiền hà liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng. Nói theo cách của ông Tyler là nếu muốn các hãng hàng không có khả năng cạnh tranh cao, Chính phủ phải lùi những bước nhất định. Tuy nhiên, trong thời điểm khủng hoảng kinh tế tại châu Âu ngày càng trở nên trầm trọng, mỗi quốc gia đều phải đối mặt với “cuộc chiến đấu” riêng, chuyện lùi bước có thể sẽ khiến cơ quan điều hành đất nước gánh chịu nhiều khó khăn hơn nữa.