Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Nam Á qua Ấn Độ

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) đánh giá thị trường Ấn Độ đang là cửa ngõ để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập và tiếp cận vào thị trường các nước Nam Á.

Việt Nam và Ấn Độ đang đặt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 20 tỷ USD trong thời gian tới. Ảnh: Nam Khánh.

Nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Ấn Độ, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết thị trường Ấn Độ đang là cửa ngõ để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập và tiếp cận vào thị trường các nước Nam Á.

Chiều ngược lại, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 23 trên thế giới và lớn thứ 4 trong khu vực ASEAN của Ấn Độ.

"Hai nước đang phấn đấu để sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 20 tỷ USD trong thời gian tới", lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi thông tin.

Đối tác kinh tế quan trọng

Ấn Độ hiện là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam tại khu vực Nam Á và là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại Việt Nam - Ấn Độ chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch của Việt Nam với các nước Nam Á khác.

Đáng chú ý, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ có sự tăng trưởng đáng kể trong thời gian qua.

Giai đoạn 2011-2016, kim ngạch thương mại song phương đã tăng 1,3 lần từ 2,9 tỷ USD lên 5,4 tỷ USD. Tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 17,3%.

Giai đoạn 2017-2023, kim ngạch thương mại song phương tăng 1,8 lần từ 7,7 tỷ USD lên 14,3 tỷ USD. Tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 12%.

6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại 2 nước đạt 7,18 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam hiện xuất khẩu các mặt hàng chính sang Ấn Độ bao gồm máy tính và hàng điện tử, điện thoại di động và phụ kiện; máy móc và thiết bị, thép và các kim loại khác, hóa chất, giày dép, hàng may mặc, cao su, sản phẩm gỗ...

Pham Minh Chinh anh 1

Ngành hàng may mặc là sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ đạt kim ngạch cao. Ảnh: Nam Khánh.

Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ hàng kỹ thuật, nông sản (bao gồm thịt và thủy sản), hóa chất và dược phẩm, hàng điện tử, khoáng sản, bông và dệt may, nhựa…

Về hợp tác đầu tư, Ấn Độ đứng thứ 26/141 các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hiện có 353 dự án đầu tư FDI từ Ấn Độ đang hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt hơn 1,1 tỷ USD.

Nhiều tập đoàn và công ty lớn của Ấn Độ đều đã có mặt tại Việt Nam, tham gia đầu tư tại nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Mở rộng, thúc đẩy tăng trưởng thương mại

Cũng theo lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, hiện còn nhiều tiềm năng, dư địa để đưa hợp tác kinh tế giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ phát triển trong thời gian tới. Đặc biệt trong các xu thế, lĩnh vực phát triển mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, công nghiệp phần mềm, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Lãnh đạo Vụ này đánh giá Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản chất lượng cao sang Ấn Độ như hoa quả chế biến; trái cây tươi (quả thanh long); chè; cà phê; gia vị; ngũ cốc và các loại hạt, sản phẩm chế biến từ ngũ cốc; cá tra/ba sa…

Cùng với đó, Ấn Độ cũng có thể tăng cường cung cấp các nguyên phụ liệu dệt may, da giày hoặc cung cấp linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp sản xuất điện thoại di động, điện tử, cơ khí chế tạo của Việt Nam.

Pham Minh Chinh anh 2

Việc trao đổi thường xuyên các đoàn doanh nghiệp, tổ chức các hội chợ, triển lãm thương mại và gặp gỡ doanh nghiệp cũng đã hỗ trợ hợp tác thương mại và kinh doanh giữa Việt Nam - Ấn Độ. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ.

Về công nghiệp, doanh nghiệp hai nước có thể tăng cường hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực điện tử, bán dẫn, công nghệ thông tin; luyện kim; vật liệu xây dựng; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến thực phẩm; dược phẩm.

Đây đều là những ngành mà Ấn Độ có kinh nghiệm và thế mạnh phát triển còn Việt Nam có nhu cầu phát triển, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong năm 2022, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt 15 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ chỉ chiếm 2,1% trong xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới; tỷ trọng nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ chỉ chiếm 1,97% trong nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới.

Thêm vào đó, chính sách bảo hộ thị trường trong nước của Ấn Độ cũng là một rào cản. Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã ban hành và áp dụng một loạt biện pháp chính sách hạn chế thương mại đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực và làm gián đoạn hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp hai nước.

Chưa kể, hàng hóa xuất khẩu của hai nước có cơ cấu khá tương đồng, đặc biệt là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như may mặc, giày dép, nông sản... và chính sách bảo hộ thương mại cứng rắn của Ấn Độ.

Điều này đã tạo ra thách thức cạnh tranh lớn giữa hàng hóa xuất khẩu hai nước trên thị trường, đồng thời gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Nhân viên Vietcombank thu nhập bình quân gần 41 triệu đồng/tháng

Vietcombank vẫn là một trong những ngân hàng trả thu nhập bình quân nhân viên hậu hĩnh nhất thị trường với mức gần 41 triệu đồng/người/tháng.

Thủ tướng yêu cầu hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 dịp 2/9

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Đề nghị tăng gấp đôi tỷ lệ mua điện mặt trời mái nhà ở miền Bắc

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị nghiên cứu phương án tăng tỷ lệ mua điện dư phát lên lưới điện quốc gia lên 20% công suất lắp đặt ở miền Bắc và 10% đối với khu vực miền Trung, miền Nam.

Hồng Nhung

Bạn có thể quan tâm