Hàng hóa bị làm giá
Nguyên liệu, lãi suất, xăng dầu... những yếu tố đẩy giá cả hàng hóa lên cao đều đã giảm. Tuy nhiên, giá nhiều loại sản phẩm, dịch vụ trong nước vẫn không đổi.
Từ đầu tháng 5 tới nay, giá phôi thép và giá thép phế liệu (dùng để luyện thành phôi thép) đã giảm từ 20 - 25 USD/tấn (tương đương giảm khoảng 400.000 - 500.000 đồng/tấn) nhưng theo anh Tuấn - giám đốc một công ty xây dựng tại Q.Tân Phú (TP.HCM), giá các loại thép xây dựng hiện vẫn duy trì ở mức 17.400 - 17.600 đồng/kg; giá xi măng các thương hiệu lớn vẫn đứng ở mức 83.000 - 84.000 đồng/bao... “Không chỉ nguyên liệu đầu vào, giá xăng dầu, lãi suất đều đã giảm so với trước nhưng hầu như giá các loại vật liệu xây dựng cơ bản như sắt thép, gạch, vẫn chưa có gì thay đổi so với mấy tháng trước. Chỉ thỉnh thoảng vài đại lý hay doanh nghiệp nào đó có khuyến mãi theo từng đợt nhưng cũng không nhiều” - anh Tuấn nói.
Việc "không chịu xuống" cũng diễn ra đối với mặt hàng sữa. Từ đầu năm đến nay, hầu hết các loại sữa bột đã tăng khoảng 15 - 20%. Trong khi đó theo báo cáo của Bộ Công thương, trong tháng 3 và 4 vừa qua, giá sữa nguyên liệu trên thế giới liên tục giảm. Ví dụ tại thị trường châu Úc giá sữa bột gầy dao động ở mức 3.400 - 3.900 USD/tấn, sữa nguyên kem còn 3.900 - 4.300 USD/tấn (giảm từ 5,4 - 11,5% so với trước đó); giá sữa bột gầy và sữa nguyên kem tại thị trường Tây Âu cũng giảm từ 6,3 - 8,9% so với trước đó... Nhưng không thấy hãng sữa nào điều chỉnh giảm giá cho người tiêu dùng.
Giá thế giới giảm mạnh nhưng các hàng hóa trong nước vẫn chưa xuống tương tự |
Tương tự, tháng 5 vừa qua cũng được xem là tháng giảm giá mạnh nhất của nhiều loại hàng hóa trên thế giới trong vòng 8 tháng qua. Từ xăng dầu đến đậu tương, giá bông, ca cao, nguyên liệu sữa... đều giảm khá mạnh, thời gian giảm kéo dài. Nhưng theo đại diện các siêu thị tại TP.HCM, hầu như chưa có hàng hóa nào được giảm giá. Thậm chí theo đại diện siêu thị LotteMart, có những nhóm hàng gia dụng, hóa mỹ phẩm... tăng giá từ 5-7%. Ông Huỳnh Hữu Tuấn - quản lý siêu thị Citimart Bình Thạnh - cho rằng giá hàng hóa chỉ tăng mà không giảm là do các nhà sản xuất không muốn giảm. Bởi tâm lý họ sợ giảm giá rồi sau đó sẽ khó tăng nên cứ giữ giá đứng yên. Nhưng "tâm lý" chỉ là sự ngụy biện bởi rõ ràng, việc giữ giá không chịu giảm trên thực tế mang lại lợi lớn cho các nhà sản xuất, nhà cung cấp.
Giám đốc một công ty sữa giải thích, giá nguyên liệu sữa thế giới giảm từ tháng 5 đến nay, chưa đủ thời gian để giảm giá sản phẩm mà phải giảm từ 3 tháng trở lên nhà sản xuất mới có thể giảm giá. Vì mỗi lần giảm giá hay tăng giá doanh nghiệp phải đăng ký theo quy trình, duyệt giá rất khó khăn. Vì vậy theo vị giám đốc này, phải chờ thêm 1 tháng nữa, nếu giá nguyên liệu tiếp tục giảm và ổn định thì lúc đó bắt buộc các hãng sữa phải giảm giá sản phẩm. Ông Đỗ Duy Thái - Tổng giám đốc Công ty thép Việt - cũng giải thích, giá nguyên liệu thế giới giảm nhưng hiện các doanh nghiệp trong nước vẫn đang tồn kho thép thành phẩm theo giá nguyên liệu mua cao hơn trước đó. Nếu giảm, doanh nghiệp sẽ bị lỗ. Nói là vậy nhưng cũng là "người trong cuộc", một đại lý thép thừa nhận, nhà sản xuất không muốn giảm mạnh giá bán vì cho rằng tâm lý người tiêu dùng càng thấy giá giảm càng chờ đợi nữa. Còn theo đại diện Sở Tài chính TP.HCM, dù giá nguyên liệu giảm nhưng giá hàng hóa giảm hay không là do thị trường quyết định.
Tuy nhiên, những giải thích trên của các doanh nghiệp theo các chuyên gia kinh tế là chưa hợp lý. Bởi dù chấp chận hàng hóa tại Việt Nam có độ trễ so với giá hàng hóa thế giới nhưng cũng không thể kéo dài lên đến 2-3 tháng. Thực tế những đợt tăng giá bán ra trước đó chỉ đi sau việc tăng giá nguyên liệu thế giới từ 1-2 tuần. Đó là chưa kể theo nhiều doanh nghiệp, hiện nay việc gối đầu tồn kho nguyên liệu sản xuất thông thường chỉ ở mức 1 tháng vì giá nguyên liệu luôn biến động. Hơn nữa, dự báo xu hướng giảm giá nhiều loại hàng hóa trên thế giới cũng đã được đưa ra từ đầu năm khi sức tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước đều đang ở mức thấp.
Theo Thanh Niên