Trong năm qua, nhiều hãng xe sang đã để mắt đến các thành phố cấp thấp ở Trung Quốc với hy vọng tiếp cận những người tiêu dùng địa phương giàu có.
Điều này không quá mới mẻ khi 10 năm trước, các thương hiệu thời trang xa xỉ như Louis Vuitton, Gucci, Prada và Burberry đã xuất hiện tại trung tâm mua sắm cao cấp của Ôn Châu, một thành phố hạng ba, theo Jing Daily.
Ngay khi đặt chấn đến, các cửa hàng sang trọng nhanh chóng thu hút người mua sắm khá giả. Sản phẩm vừa trưng bày cũng hết hàng ngay lập tức.
Li Shuang (27 tuổi, sống ở Ôn Châu, Chiết Giang) nhớ lại cảnh cha mẹ cô xếp hàng tại trung tâm mua sắm Fortune của thị trấn để mua một chiếc túi hiệu.
Nhưng sau đó điều này đã thay đổi, những người người tiêu dùng sành sỏi nhận ra rằng mua hàng trong nước thường có giá cao hơn gấp 3 lần so với đặt từ quốc tế. Không có gì ngạc nhiên khi những thương hiệu cao cấp dần rời bỏ các thành phố ít được biết đến từ năm 2010 trở đi.
Vì vậy, những đô thị hàng đầu như Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu và Thâm Quyến - nơi có lượng khách du lịch nội địa cao - trở nên bão hòa với cửa hàng xa xỉ.
Nếu tính riêng, Louis Vuitton đã có 21 cửa hàng tại những nơi này.
Các cửa hàng xa xỉ dần xuất hiện tại những thành phố cấp thấp tại Trung Quốc. Ảnh: People. |
Mở rộng thị trường
Sự tập trung cao độ tại một địa điểm khiến các nhãn hàng không chỉ áp lực trước sự cạnh tranh của đối thủ mà còn có nguy cơ bị tiêu diệt bởi nội bộ.
Khi đất nước tỷ dân thực thi chính sách đóng cửa biên giới vì đại dịch, nhu cầu trong nước đột nhiên tăng mạnh khiến các công ty kinh doanh du lịch phải mở rộng thị phần đến nhiều thành phố cấp thấp.
Trước khi Covid-19 hoành hành, Li đã nhờ người thân ở châu Âu hoặc Hong Kong mua giúp một số món đồ mong muốn với giá cả “mềm” hơn. Tuy nhiên, giờ đây, cô lại thích “săn lùng” đồ hiệu trong nước.
“Trước kia, hàng xa xỉ không phân bổ nhiều ở Trung Quốc. Tôi đã phải ra nước ngoài để tìm những thứ mình muốn. Nhưng hiện tại họ đang ưu tiên thị trường nội địa nhiều hơn”, Li chia sẻ.
Người tiêu dùng giàu có ở các thành phố nhỏ có thể mua hàng ngay tại nơi sinh sống. Ảnh: DKSstyle. |
Trên thực tế, 55% cửa hàng mới của các công ty cao cấp đã được mở tại xứ Trung trong năm 2021.
Nhiều tiệm trong số đó nằm ở các thành phố cấp thấp để thu hút tệp khách hàng sang trọng mới.
Theo báo cáo BCG x Tencent 2019, gần một nửa lượng tiêu thụ hàng hiệu của quốc gia này đến từ các thành phố cấp 2 và 3.
Nhiều nhà phân tích cho rằng ưu điểm của việc mở rộng thị phần là tiếp cận tầng lớp trung lưu mới với khả năng tài chính dư dả.
McKinsey dự kiến đến năm 2025, nhóm khá giả này sẽ vượt quá 500 triệu người, bao gồm hơn một nửa dân số thành thị của Trung Quốc, với tổng thu nhập khả dụng của họ đạt 2 nghìn tỷ USD (13,3 nghìn tỷ nhân dân tệ).
Vào tháng 3/2022, Hermès đã mở cửa hàng đầu tiên tại David Plaza ở Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam) và bán hết sản phẩm trong ngày đầu tiên.
Thu hút khách giàu có
Laura Pan, giáo sư kinh doanh quốc tế tại Trường Quản lý SDA Bocconi, lưu ý rằng trước đây, nhiều nhãn hàng mong đợi người tiêu dùng giàu có từ vùng quê sẽ đến thành phố để mua hàng hoặc thông qua các nền tảng thương mại điện tử của họ.
Cuối cùng, điều đó cũng xảy ra. Năm 2021, Tmall’s Double 11 ghi nhận mức tăng kỷ lục 50% lượng khách hàng khá giả mới từ các thành phố hạng 3.
Tuy nhiên, khi nói đến việc mua hàng đắt tiền, nền tảng trực tuyến là chưa đủ. Nhiều người tiêu dùng Trung Quốc muốn được trải nghiệm dịch vụ trọn vẹn hơn. Chẳng hạn tổ chức sinh nhật trong phòng VIP hoặc xem biểu diễn riêng tư.
“Thật khó có thể tưởng tượng được những nhãn hàng thời trang lại khiến khách hàng phải di chuyển vài giờ đến thành phố cao cấp gần nhất để tận hưởng trải nghiệm đặc biệt”, giáo sư Pan nói thêm.
Các dịch vụ cá nhân hóa thu hút khách hàng tiềm năng đến những thương hiệu xa xỉ. Ảnh: SCMP. |
Để phục vụ nhu cầu này, các thương hiệu cao cấp buộc phải mở cửa hàng ở nhiều địa điểm.
“Việc biết đối tác bán hàng và nhận các dịch vụ được cá nhân hóa khiến mối quan hệ giữa tôi với một thương hiệu trở nên bền chặt hơn”, Li giải thích.
Một số chính quyền địa phương cũng đang cung cấp nhiều ưu đãi để thu hút những thương hiệu tên tuổi trên toàn cầu.
Các thành phố sắp phát triển như Trùng Khánh, Nam Kinh và Trịnh Châu sẽ xây dựng 2-3 trung tâm thương mại cao cấp với mục đích trở thành điểm đến mua sắm quốc tế.
Tầng lớp trung lưu mới ngày càng tăng kéo theo sự khao khát mạnh mẽ đối với đồ hàng hiệu và những ưu đãi hấp dẫn mà chính phủ đưa ra.
Điều đó đã khiến các thành phố cấp thấp tại Trung Quốc có thể là một “bàn đạp vàng” cho các doanh nghiệp thời trang.
Tuy nhiên, một nhược điểm mà họ cần phải cân nhắc là khoảng cách đáng kể của tỷ lệ cư dân giàu có giữa các khu vực.