Air Berlin, hãng hàng không lớn thứ hai nước Đức, đang ngập trong núi nợ do các thương vụ mua bán, sáp nhập. Hãng này vừa phải làm thủ tục xin phá sản và đệ trình lên tòa án Berlin-Charlottenburg.
Khoản tiền Etihad đổ vào hãng năm 2011 đã giúp Air Berlin tồn tại trong những năm gần đây, nhưng hãng hàng không tới từ Abu Dhabi đã xem xét lại nhiều khoản đầu tư tại châu Âu sau khi các khoản này không đem về lợi nhuận như dự kiến.
Cụ thể, BBC cho hay Air Berlin đã lỗ liên tiếp trong gần 10 năm. Khoản lỗ dồn hiện nay đã lên tới 918 triệu USD. Trong tháng 7/2017, lượng hành khách của Air Berlin đã giảm một phần tư so với cùng kỳ năm 2016.
Air Berlin nổi tiếng với việc thường xuyên chậm chuyến và hủy chuyến, khiến hãng mất tới hàng triệu USD để bồi thường cho khách hàng.
Lần gần nhất Etihad bơm thêm vốn cho Air Berlin là hồi tháng 4/2017 với khoản tiền 293 triệu USD.
"Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của Air Berlin tiếp tục xấu đi với tốc độ nhanh chưa từng có, khiến hãng này không thể vượt qua những khó khăn và không có được giải pháp cụ thể", Etihad đề cập trong một thông cáo.
Hãng hàng không từng lớn thứ hai nước Đức giờ lâm vào cảnh phá sản, nhiều khả năng phải bán mình cho các đối thủ cạnh tranh. Ảnh: Reuters. |
Lufthansa, đối thủ chính của Air Berlin tại thị trường nội địa, đang ngỏ ý muốn mua lại một vài bộ phận của Air Berlin.
Để tránh gây gián đoạn cho hành trình của các hành khách đã đặt vé, chính phủ Đức đã cho Air Berlin vay nóng 176 triệu USD, dự kiến đủ giúp hãng vận hành trong 3 tháng tới.
Hãng này cũng đã thông báo các chuyến bay vẫn sẽ được thực hiện theo đúng lịch trình.
Việc Air Berlin phá sản đã khiến cổ phiếu của hàng loạt các hãng hàng không khác trong khu vực tăng giá. Cổ phiếu của EasyJet đã tăng 4,5%, Ryanair tăng 3,3%, British Airways tăng 2,9% và thậm chí là hãng hàng không nhỏ bé Wizz Air cũng ghi nhận giá cổ phiếu tăng 4,6%.