Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hãng hàng không lớn thứ hai Ấn Độ vỡ nợ, cựu CEO bị bắt khi bỏ trốn

Đã ngồi yên vị trên máy bay chờ cất cánh nhưng vợ chồng cựu tổng giám đốc hãng hàng không Jet Airways vẫn không thể trốn khỏi Ấn Độ.

Theo báo chí Ấn Độ, hôm 25/5 cựu CEO Jet Airways Naresh Goyal và vợ đã lên máy bay của hãng hãng hàng không Emirates để tới London (Anh). Máy bay đã di chuyển tới sát đường băng và chuẩn bị cất cánh thì bị lực lượng an ninh chặn lại. 

Ông Goyal và vợ bị các nhân viên xuất nhập cảnh sân bay Mumbai bắt giữ, tuy nhiên sau đó được thả. Nhà chức trách Ấn Độ ra lệnh cấm vợ chồng cựu CEO của Jet Airways xuất cảnh. Như vậy, ông Goyal sẽ phải đối mặt với hậu quả của việc quản lý yếu kém Jet Airways. 

Năm 2017, Jet Airways là hãng hàng không lớn thứ hai tại Ấn Độ, chỉ sau IndiGo. Ông Goyal thành lập Jet Airways 26 năm trước. Tuy nhiên, hiện tại hãng hàng không này đang đứng trước bờ vực của sự sụp đổ.

ceo cua jet airways anh 1
Jet Airways ngừng hoạt động từ giữa tháng 4. Ảnh: Asia News Network

Hồi tháng 3, ông Goyal và vợ rời khỏi ban giám đốc Jet Airways. Kể từ tháng 1, hơn 22.000 nhân viên của hãng không được trả lương. Jet Airways buộc phải ngừng mọi hoạt động từ ngày 17/4. 

Rắc rối của Jet Airways bắt đầu vào năm 2018 khi hãng đặt mua thêm 75 chiếc Boeing 737 Max với giá 8,8 tỷ USD. Trước đó hãng đã đặt mua 150 chiếc 737 Max. 

Trên thực tế, Jet Airways buộc phải dựa vào các công ty cho thuê máy bay khi thực hiện các hợp đồng mua máy bay mới. Trong giao dịch này, hãng hàng không chỉ cần chuẩn bị vài phần trăm giá trị hợp đồng để đặt cọc cho Boeing.

Khi nhận hàng từ nhà sản xuất, hãng bán lại tàu bay cho bên thứ ba là các công ty cho thuê máy bay. Số tiền bán máy bay cho bên thứ ba sẽ được hãng dùng để thanh toán cho Boeing. Sau đó, hãng hàng không lại đi thuê chính những máy bay này từ công ty cho thuê để khai thác.

Vấn đề là các hợp đồng giữa Jet Airways với công ty cho thuê đổ vỡ, do đó hãng hàng không này phải đi vay tiền để thanh toán chi phí mua máy bay và vỡ nợ. Sau khi không thể vay khẩn cấp 217 triệu USD, Jet Airways buộc phải ngừng hoạt động. 

Bên trong sân bay lớn nhất thế giới, trị giá 12 tỷ USD

Đầu tháng 4, sân bay Istanbul mới (Thổ Nhĩ Kỳ) chính thức đi vào hoạt động. Với tổng đầu tư lên đến 12 tỷ USD, đây là một trong những cảng hàng không hiện đại nhất thế giới.


An Chi

Bạn có thể quan tâm