Theo phóng viên chuyên viết về mảng hàng không Richard Quest của hãng tin CNN, điều đó không dễ dàng xảy ra, bởi vì, không chỉ chiếc máy bay Boeing 777 được đánh giá an toàn, có sải cánh gần 200 feet (hơn 60 mét) và chiều dài hơn 209 feet (gần 64 mét), mà còn vì nó được trang bị thiết bị thông tin liên lạc, bao gồm radio, đèn hiệu tự động, hệ thống định vị toàn cầu và hệ thống thông tin liên lạc máy tính.
Ngoài việc được trang bị radio UHF và VHF, những chiếc máy bay có giá trị hơn 250 triệu USD/chiếc, còn có hệ thống thông tin liên lạc và báo cáo hoạt động của máy bay (ACARS). ACARS (viết tắt của cụm từ “Aircraft Communications Addressing and Reporting System”) là một hệ thống kết nối dữ liệu kỹ thuật số để truyền tải những thông tin ngắn, đơn giản giữa máy bay và các trạm mặt đất thông qua sóng radio hoặc vệ tinh. Được nhúng trong các máy tính của máy bay, ACARS sẽ cho các hãng hàng không biết máy bay đang vận hành như thế nào - các tình trạng về tốc độ, nhiên liệu, áp lực. “Nếu có bất cứ gì trục trặc, ACARS sẽ gửi tín hiệu đến Malaysia Airlines", Quest nói.
Tuy nhiên, điều rõ ràng nhất chúng ta biết hiện nay là chuyến bay số hiệu MH370 của hãng Malaysia Airlines, một chiếc Boeing 777-200ER, đã hoàn toàn mất tích. Trong khi hầu hết chặng đường bay của chuyến bay này là trên đất liền, thì dường như chiếc máy bay đã rơi xuống vùng Biển Đông - điểm thường được xem là an toàn nhất trong các chuyến bay. Vì thế, một trong những câu hỏi được thắc mắc nhiều nhất về vụ máy bay Malaysia mất tích là làm thế nào một chiếc máy bay hiện đại, bay ở độ cao 35.000 feet lại đột nhiên mất hoàn toàn liên lạc?
Đầu tiên, cần phải hiểu về loại liên lạc mà một chiếc máy bay dân dụng cỡ lớn có được trong chuyến bay. Theo trang Forbes, phi hành đoàn của chuyến bay liên lạc với trạm kiểm soát lưu không bằng cả lời nói qua sóng radio và qua hệ thống truyền tải tự động từ các hệ thống liên lạc khác của máy bay. Phi hành đoàn cũng có thể liên lạc với hãng hàng không qua các kênh radio riêng biệt. Thường có ít nhất một hệ thống liên lạc sao lưu, cho phép việc liên lạc giữa các trạm mặt đất và phi hành đoàn của chuyến bay. Ngoài ra còn có các hệ thống máy bay khác được nhiều hãng hàng không sử dụng để theo dõi các bộ phận khác của máy bay, như động cơ, và báo cáo dữ liệu về cho hãng hàng không. Dữ liệu này được dùng để kiểm soát và cải thiện hoạt động của hệ thống máy bay.
Màn hình thông tin tại Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur: Hãy cầu nguyện cho chuyến bay MH370. |
Đối với trường hợp mọi liên lạc đột nhiên ngưng bặt, không có bất kỳ tín hiệu khẩn cấp nào, thì đó thường là một thảm họa với máy bay, không có cả thời gian để phi hành đoàn liên lạc bằng radio cũng như qua hệ thống truyền tải tín hiệu. Các máy bay hiện đại có nhiều sóng radio để liên lạc bằng lời nói và hệ thống truyền tải tín hiệu có thể được dùng để gửi tín hiệu về các trục trặc mà chuyến bay gặp phải (chẳng hạn mật mã thông báo máy bay bị cướp). Tuy nhiên, Forbes cho rằng một tình huống mà mọi hệ thống điện tử đều “chết đứng” hoàn toàn là điều rất khó xảy ra, vì hệ thống luôn có các thiết bị hỗ trợ lẫn nhau. Ngay cả khi xảy ra tình huống mọi hệ thống liên lạc đều “dừng hình”, thì máy bay vẫn có thể bay. Nếu máy bay ở ngoài tầm radar khi trục trặc xảy ra - nhưng vẫn có thể bay - nó sẽ bay vào khu vực có phủ radar và sẽ được một radar kiểm soát lưu không dò ra.
Trong khi đó, theo trang The Malaysian Insider, ông Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, cơ trưởng của chuyến bay MH370 mất tích, là một người rất am hiểu về máy bay Boeing. Zaharie đã lái các loại máy bay Fokker F50, Boeing 737 và Airbus A300 trong hơn 3 thập kỷ làm việc tại Malaysia Airlines và có kinh nghiệm hơn 18.000 giờ bay.
Như vậy, những phân tích trên đây càng cho thấy một điều chúng ta không muốn nhắc tới và hỏi nhau mãi, là tại sao chuyến bay MH370 lại mất tích và hiện nay số phận của chiếc máy bay này cùng 227 hành khách và 12 người trong phi hành đoàn đang thế nào?