Liên tiếp hàng loạt vụ vi phạm được các cơ quan chức năng phát hiện đã cho thấy tình trạng này đang ở mức báo động. Ngày 28/1, Phòng 4 Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường phía Nam (C49B, Bộ Công an) phối hợp với Quản lý thị trường (QLTT) huyện Bình Chánh (TP HCM) “đột kích” bắt quả tang công ty TNHH Ngọc Long (ấp 1, xã Lê Minh Xuân) đang vận hành dây chuyền sản xuất nhiều loại bánh kẹo nhái thương hiệu bằng các hương liệu phế phẩm.
Phế phẩm thành bánh kẹo
Trước đó, từ sáng sớm trinh sát Phòng 4 (C49B) đã bí mật đeo bám ô tô 7 chỗ của Công ty TNHH quốc tế Sông Hồng (quận Gò Vấp) đang vận chuyển 18 thùng bột ca cao không có nhãn mác (nguyên liệu sản xuất bánh kẹo, có trọng lượng 500 kg) giao cho công ty Ngọc Long.
Người giao hàng là tài xế Nguyễn Quốc Cường thừa nhận lô hàng bột ca cao là dạng phế phẩm được Công ty Sông Hồng mua từ các cơ sở phế liệu ở Bến Cát (Bình Dương) để bán cho nhiều cơ sở sản xuất bánh kẹo, trong đó có Công ty Ngọc Long.
Lực lượng chức năng kiểm tra xưởng sản xuất bánh kẹo từ phế phẩm tại Công ty TNHH Ngọc Long (xã Lê Minh Xuân, Bình Chánh) chiều 29/1. |
Theo một công nhân, để cho ra một lô bánh kẹo, công nhân cho 200 kg hương liệu các loại vào máy trộn trong vòng 15 giờ với tỷ lệ 15 kg ca cao - 60 kg chocolate - 40 kg đường - 85 kg bơ và một số hương liệu khác. Hỗn hợp hương liệu trộn nhuyễn được chuyển qua một hệ thống máy khác để đổ ra khuôn, đợi khô ráo rồi đóng gói thành nhiều loại bánh kẹo bắt mắt khác nhau.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ vào thời điểm kiểm tra tại xưởng sản xuất của Công ty Ngọc Long có trên 10 công nhân đang vận hành dây chuyền sản xuất bánh kẹo với đầy đủ hệ thống máy móc từ khâu in bao bì, sản xuất, đóng gói...
Tại hai kho kế bên là nơi Công ty Ngọc Long dùng để chứa hàng trăm mẫu bao bì nhái thương hiệu của nhiều sản phẩm bánh kẹo nổi tiếng, hàng trăm thùng bánh kẹo thành phẩm với đủ bao bì mẫu mã đa dạng nhưng đều “3 không” không nhãn mác, xuất xứ và ngày sản xuất, hạn sử dụng. Ngoài ra, trong các kho này tổ công tác còn phát hiện một lượng lớn bột ca cao phế phẩm được xác định dùng để sản xuất bánh kẹo.
Ông Lê Duy Tân (người trực tiếp sản xuất, quản lý xưởng) cho biết Công ty Ngọc Long hoạt động từ năm 2007 đến nay (trụ sở trước đó là ở quận 6). Bánh kẹo do công ty sản xuất được phân phối ra nhiều cửa hàng ở TP HCM.
“Ngoài các sai phạm về sản xuất bánh kẹo từ hương liệu phế phẩm, sản phẩm không rõ nhãn mác, không có xuất xứ, không hạn sử dụng thì giấy chứng nhận vệ sinh thực phẩm của sản phẩm được sản xuất của công ty Ngọc Long cũng hết hạn ba năm”, một cán bộ điều tra C49B nói.
Cùng thời điểm trên, một tổ công tác của Phòng 4 (C49B) tiếp tục phối hợp với Công an quận 12 kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH quốc tế Sông Hồng (phường An Phú Đông), phát hiện khoảng 10 tấn thực phẩm, hương liệu được nhập từ nước ngoài, trong đó có một lượng lớn bột ca cao phế phẩm.
Làm việc với tổ công tác, người quản lý kho hàng thừa nhận bột ca cao trên là phế phẩm mua trôi nổi ở Bình Dương cung cấp cho các công ty sản xuất bánh kẹo.
Công an kiểm tra mẫu bao bì và cơ sở sản xuất cà phê nghi làm nhái, làm giả tại huyện Bình Chánh chiều 29/1. |
Nước ép bốc mùi
Trước đó ngày 27/1, Đội QLTT 1A Chi cục QLTT TP HCM phát hiện lượng lớn trái cây nhập khẩu, nước ép không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ khi kiểm tra kho chứa hàng của Công ty TNHH Vườn Hạnh Phúc Đà Lạt (Happy Farm Dalat) tại khu vực chợ đầu mối Thủ Đức (TP HCM). Cụ thể, tại kho hàng lạnh chứa trữ gần 600 thùng trái lê, nho có dấu hiệu hư hỏng, biến đổi màu, mốc. Số lượng lê, nho không đảm bảo chất lượng ước tính gần 5 tấn.
Tương tự, tại đây có khoảng 1.000 bao tải chứa 20 tấn củ hành bắt đầu lên mầm. Toàn bộ số hàng này được đại diện công ty khai nhận nhập khẩu từ Hàn Quốc, do tiêu thụ không hết nhưng công ty chưa kịp tiêu hủy. Theo quan sát của Tuổi Trẻ, phần lớn lượng hàng hóa bị phát hiện không đảm bảo an toàn. Những chùm nho, lê đựng trong thùng cactông có dấu hiệu bốc mùi. Lượng hàng hư hại này được để chung kho với hàng loạt sản phẩm củ quả khác. Đặc biệt, kho hàng tại đây chứa trữ thêm gần 25.000 gói (tương đương 2,8 tấn) nước ép trái lê loại 110 /gói không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trên bao bì mỗi gói được in bằng tiếng Hàn Quốc khá bắt mắt nhưng không có thông tin chất lượng hàng hóa, ngày sản xuất, hạn sử dụng. Khi mở ra, những gói nước ép bốc mùi hôi, vị lạ... Đến thời điểm này, phía công ty Happy Farm Dalat vẫn chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng trên.
Đại diện QLTT TP HCM cho biết số nước ép này được nhân viên công ty khai nhận sản xuất trong nước chứ không phải nhập khẩu từ Hàn Quốc, sản phẩm chỉ đem tặng chứ không bán.
“Chúng tôi đang xác minh lời khai có đúng sự thật hay không. Nếu sản phẩm đem ra thị trường tiêu thụ sẽ rất nguy hiểm cho người sử dụng” - vị đại diện QLTT cho hay. Ngoài ra, Đội QLTT 1A cũng kiểm tra, phát hiện nhiều vi phạm tại kho chứa hàng của Công ty TNHH Dịch vụ Tam Bình Thủ Đức.
Tổng số trái cây, thực phẩm không rõ xuất xứ, hư hại bị đơn vị tạm giữ trong đợt kiểm tra lên đến hơn 63 tấn. Lượng hàng này được nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc để bán ra thị trường cuối năm.
Lực lượng chức năng kiểm tra xưởng sản xuất bánh kẹo từ phế phẩm tại công ty TNHH Ngọc Long (xã Lê Minh Xuân, Bình Chánh) chiều 28/1. |
Không nhãn mác tràn lan
Thực tế trên chỉ là hai trong số rất nhiều vụ thời gian gần đây bị các cơ quan chức năng phát hiện trong những ngày đầu năm 2015 với các vi phạm như: thịt trâu hô biến thành thịt bò, bánh kẹo, thực phẩm quá hạn sử dụng, mập mờ xuất xứ...
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ tại các chợ bán lẻ đến các khu chợ đầu mối lớn trên địa bàn TP HCM, lượng hàng hóa vi phạm nhãn mác, không đảm bảo chất lượng vẫn rất phổ biến. Với nhu cầu mua thực phẩm về bán tết, chúng tôi đến chợ Bình Tây (quận 6) để nhập hàng. Nhộn nhịp nhất thời điểm này là nhóm hàng bánh kẹo, mứt, rau câu, các sản phẩm phục vụ tết đưa đi các tỉnh.
Trong đó mặt hàng rau câu được đựng trong các bịch nilông lớn, bán tính ký với đủ loại hình thù, màu sắc sặc sỡ. Khi thắc mắc về nguồn gốc các loại sản phẩm này, bà Thụy, chủ một sạp, cho biết: “Hàng Thái có, hàng Việt Nam có, muốn lấy loại nào cũng có”.
Giá rau câu được các chủ sạp giới thiệu từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg, thế nhưng người tiêu dùng gần như rất khó nhận ra được nhãn mác cũng như nguồn gốc sản phẩm.
Còn nhớ cách đây không lâu, QLTT TP HCM đã bất ngờ kiểm tra cơ sở thực phẩm Khánh Giang (phường Tam Bình, quận Thủ Đức) chuyên sản xuất mặt hàng rau câu cung ứng lượng lớn sản phẩm ra thị trường với nhãn hiệu Khánh Giang, đã phát hiện cơ sở không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Cơ quan chức năng tiến hành tạm giữ gần 2 tấn rau câu do cơ sở này sản xuất cùng lượng lớn nguyên liệu bột rau câu nhập từ Trung Quốc.
Không chỉ rau câu, các loại thực phẩm tết được ưu ái lựa chọn nhiều như hạt hướng dương, hạt dẻ, hạt bí... được bày bán khắp các chợ. Tuy nhiên một đặc điểm chung là hầu hết sản phẩm bán theo dạng cân ký, không có bất cứ thông tin đơn vị sản xuất hay hạn sử dụng.
“Nhìn bề ngoài rất khó phân biệt hạt hướng dương có bị mốc bên trong hay không. Mua hàng cũng “hên xui” lắm. Mình cắn thử vài hạt nếu không dính phải hạt mốc, còn vị thơm, ngọt thì mua thôi!”, chị Lan Hương, một khách hàng, chia sẻ.
Tương tự, khi tìm mua các loại nước rửa chén, dầu ăn, tương ớt, bột nêm xá về để kinh doanh nhà hàng, ghé chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh) chủ một sạp tại đây đon đả: “Loại dầu ăn ở đây chỉ 25.000 đồng/lít, bột nêm 1 kg giá chưa tới 40.000 đồng”.
Quan sát cho thấy các loại dầu ăn hay nước rửa chén đựng trong loại can lớn 5-10 lít, người bán có thể chiết nhỏ tùy theo nhu cầu. Tuy nhiên, hầu hết đều không có nhãn mác, nguồn gốc...
Theo một cán bộ QLTT TP HCM, vi phạm về nhãn hàng hóa hiện rất phổ biến. Nguy hiểm nhất là việc hàng hóa, nguyên liệu đầu nguồn đã hết hạn sử dụng nhưng chỉ cần chia nhỏ đóng gói sang bao bì khác thì một “vòng đời” sản phẩm mới lại bắt đầu.
“Nếu chỉ nhìn nhãn mác bao bì thì không người tiêu dùng nào cũng như chúng tôi có thể phát hiện hàng hóa đã hết hạn sử dụng, nguy hại đến sức khỏe. Trong khi đó, việc ghi hạn sử dụng sản phẩm dài hay ngắn do doanh nghiệp tự công bố. Cụ thể nhiều loại mỹ phẩm doanh nghiệp tự công bố hạn sử dụng ba năm nhưng nếu sản xuất từ nguyên liệu trôi nổi, thậm chí hết hạn sử dụng thì rõ ràng thời hạn này không có giá trị”, vị cán bộ này cho hay.
“Phù phép” bắp rang, đậu nành thành cà phê
Ngày 29/1, Phòng 4 C49B (Bộ Công an) phối hợp với lực lượng công an, QLTT huyện Bình Chánh (TP HCM) bắt quả tang cơ sở rang xay gia công cà phê độn bắp, đậu nành quy mô lớn tại ấp 3 (xã Vĩnh Lộc A).
Thời điểm tổ công tác ập vào cơ sở có trên sáu công nhân chia làm hai nhóm đang tẩm hương liệu “phù phép” đậu nành, bắp rang thành cà phê và vận hành hệ thống máy trộn.
Cơ sở này có hai kho chứa gần 1.000 bao bắp rang, đậu nành trọng lượng trên 60 tấn và 1.350 bao cà phê trọng lượng trên 67 tấn. Công suất một ngày cơ sở “phù phép” ra 1,7-2 tấn cà phê thành phẩm.
Cán bộ quản lý thị trường Bình Chánh kiểm đếm kho hàng bắp rang, đậu nành và cà phê |
Qua kiểm tra C49B phát hiện cơ sở này tàng trữ một lượng lớn bao bì ghi nhái sản phẩm của bốn loại cà phê để bán ra thị trường TP HCM. Cũng trong ngày 29/1, đội 7 Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP HCM phối hợp với Đội cảnh sát điều tra kinh tế Công an quận 6 phát hiện Huỳnh Ngọc Oai (ngụ đường Bà Hom, quận 6) đang bốc năm bao bột ngọt nghi là hàng giả lên xe máy nên đã kiểm tra.
Khám xét nơi ở của Oai, cơ quan chức năng thu giữ 1.072 bao bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto được chia thành nhiều loại, tổng trọng lượng 1.052,5 kg; 402 gói hạt nêm giả nhãn hiệu Knorr, tổng trọng lượng 580,5 kg.