Trong khi nhiều hàng ăn đóng cửa nghỉ cũng không cần kinh doanh bán mang về theo quy định của thành phố thì vẫn có nhiều thương hiệu bình dân kiên trì theo đuổi phục vụ khách. |
Tại một hàng cơm sườn thương hiệu miền Tây ở Hà Nội, thời điểm trước dịch, cửa hàng khá đông khách. 3 gian phòng điều hoà đều chật kín, chủ quán xoay xở không kịp. Nhưng nay tất cả bàn ghế đành phải xếp gọn vào góc, chỉ bán mang về. |
Bên trong căn bếp vẫn đỏ lửa, khói nghi ngút, nhân viên tất bật làm việc từ sáng đến tối. Công việc của họ bắt đầu từ 8h để đến giờ ăn kịp có hàng phục vụ khách. |
Người rửa rau, người làm sườn, ướp thịt... Trong vòng 2 tiếng, tất cả phải được sạch sẽ, khô ráo đặt vào vị trí để đầu bếp chế biến. |
Mỗi ngày dịp cả thành phố đang thực hiện bán mang về, quán ăn này nhập từ 40 kg thịt. Vào ngày thường con số sẽ tăng gấp đôi. |
Ở Hà Nội, sự xuất hiện của những quán ăn trưa theo phong cách miền Tây không nhiều bởi thói quen thưởng thức ẩm thực của người dân mỗi vùng một khác. Vì ít thương hiệu cạnh tranh, quán cơm Sóc Trăng này vẫn đắt khách trong dịp giãn cách mùa dịch. |
Anh Toàn (37 tuổi) cho biết hai vợ chồng anh gốc Sóc Trăng, kinh doanh món ăn này ở Hà Nội đã 9 năm. “Mỗi ngày tôi nướng khoảng 40 kg thịt lợn, bao gồm cả sườn và thịt ba chỉ. Phần sườn non mềm và nhiều thịt được nhiều thực khách ưa chuộng”, anh nói. Công việc tại đây được hai vợ chồng phân chia rõ ràng. Anh Toàn là người kiểm soát nguồn vào, nhập thực phẩm, nướng thịt, điều hành những vấn đề về nhân viên, mặt bằng... Còn vợ anh, chị Kiều (32 tuổi), chuẩn bị cho đầu ra ở các khâu nấu ăn, bán hàng và thu lợi nhuận. |
Chủ quán chia sẻ sở dĩ cơm của họ đắt khách trong những ngày này bởi những ưu điểm không dễ bị nguội, nở nhưng lại dễ đóng hộp và tiện mang đi. Chính vì vậy, các hàng bán cơm có lượng khách ổn định hơn so với kinh doanh bún, phở... |
Chị Kiều chia sẻ: “Mặc dù doanh thu có giảm hơn một nửa so với trước, may mắn là mặt hàng của chúng tôi vẫn không bị ảnh hưởng quá nặng nề bởi lệnh cấm”. |
Trước đây, cửa hàng chị Kiều bán hơn 400 suất mỗi ngày nhưng bây giờ chỉ khoảng 200 suất. “Có đợt cao điểm tôi phải thuê đến 15 nhân viên, bây giờ chỉ còn 7 nhân viên. Mọi người đều gắn bó với quán đã lâu, nay cho nghỉ thì không nỡ. Ai cũng cần công ăn việc làm, vì thế chúng tôi cùng nhau cố gắng duy trì, mong dịch bệnh sớm qua để chúng tôi được phục vụ khách tới ăn tại chỗ”, chị Kiều nói. |
Cửa hàng mở cửa từ 10h đến 14h và từ 17h đến 21h hàng ngày. Lượng khách cao điểm rơi vào khoảng từ 11h đến 12h. Trong vòng một tiếng trưa thứ 7, tiệm cơm này có hàng chục khách và shipper, mỗi người mua từ 2-4 suất mang đi. |
Anh Khánh (28 tuổi), nhân viên một công ty ở phố Thuỵ Khuê, chia sẻ: “Hôm nay ở văn phòng không nấu ăn, tôi mua 2 suất mang cho cả đồng nghiệp. Đồ ăn ở đây hợp khẩu vị, tôi là khách quen được gần 2 năm rồi”. |
Ngoài người Việt, quán ăn này còn có khách quen là khách nước ngoài. Trong ảnh, nhóm thanh niên Hàn Quốc xếp hàng vào lấy đồ ăn. Họ đặc biệt thích món salad tại đây. |
Từ 11h trưa, các shipper đến đợi lấy đồ tại đây cũng khá nhiều. Phần lớn khách đặt mua qua ứng dụng trực tuyến. Mỗi suất cơm có giá dao động 40.000 - 60.000 đồng, cơ bản có sườn, thịt ba chỉ nướng và rau ăn kèm. Tuỳ vào nhu cầu mỗi người, họ có thể gọi thêm trứng, bì, chả... sẽ cộng thêm 5.000 đồng mỗi món. |
Anh Sơn (31 tuổi), một shipper công nghệ chia sẻ: “Tôi chủ yếu hoạt động quanh khu vực quận Tây Hồ nên cũng thường nhận đơn của cửa hàng này. Hầu như ngày nào cũng ghé đây nên anh em biết nhau cả”. |
“Mặc dù mùa dịch vất vả là vậy, cửa hàng cũng có thương hiệu và lượng khách hàng nhất định nên không thể nghỉ được. Khó khăn thì đồng lòng rồi cũng sẽ vượt qua thôi”, chủ quán nói. |