Các cuộc biểu tình này nhắm vào Nhà vua Maha Vajiralongkorn cũng như Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, trở thành thách thức lớn cho chính phủ và Hoàng gia Thái Lan, theo Reuters.
"Giống như chó cùng rứt giậu, chúng ta sẽ chiến đấu đến cùng", Panupong "Mike Rayong" Jadnok, một trong những nhà lãnh đạo cấp cao của phong trào biểu tình, nói với đám đông. "Chúng ta sẽ không lùi bước. Chúng ta sẽ không bỏ chạy. Chúng ta sẽ không đi đâu cả".
Những người biểu tình phớt lờ lời kêu gọi giải tán của cảnh sát. Họ tràn ra đường phố với điện thoại bật đèn sáng lung linh trong đêm. Nhóm người biểu tình kêu gọi thả tự do cho khoảng 40 nhà hoạt động bị bắt trong tuần này.
"Những người đến đây biết rằng có lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên ở nơi công cộng. Chúng tôi sẽ thực hiện từng bước một", người phát ngôn của cảnh sát Kissana Phathanacharoen cho biết.
Hàng chục nghìn người Thái Lan đã đổ xuống đường biểu tình tối 15/10 ở Bangkok. Ảnh: AP. |
Trước đó, chính phủ Thái Lan áp dụng lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên với mục đích chính trị, đồng thời cấm các trang tin và nền tảng trực tuyến có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.
Anucha Burapachaisri, người phát ngôn của chính phủ Thái Lan, cho biết: "Các biện pháp này là cần thiết để đảm bảo hòa bình và trật tự, cũng như ngăn chặn các sự cố tiếp theo sau vụ việc người biểu tình làm ảnh hưởng đến đoàn xe hoàng gia và dùng ngôn ngữ khiêu khích để vi phạm chế độ quân chủ".
Theo luật "lese majeste" (phạm thượng) nghiêm ngặt ở Thái Lan, những hành động bất kính với nhà vua có thể trở thành tội và người vi phạm có thể bị phạt tù lên đến 15 năm.
Dù không có quyền lực chính trị thực sự, nhà vua và hoàng gia vẫn nắm giữ tài sản khổng lồ cùng nhiều đặc quyền, cũng như được nhiều người dân tôn thờ.