Trong một thông báo được phát trên truyền hình nhà nước rạng sáng 15/10, chính phủ Thái Lan nói các biện pháp khẩn cấp là cần thiết để "duy trì hòa bình và trật tự", giữa lúc phong trào biểu tình kêu gọi dân chủ tiếp tục leo thang.
Chính phủ biện minh cho sắc lệnh khẩn cấp chủ yếu với lý do một số người biểu tình đã cản trở đoàn xe hoàng gia trong một cuộc tuần hành lớn ở Bangkok hôm 14/10, theo BBC.
Hoàng hậu Suthida and Hoàng tử Dipangkorn Rasmijoti ngồi trong xe đi qua đám đông biểu tình hôm 14/10. Ảnh: AFP. |
Sắc lệnh chỉ ra việc "cản trở đoàn xe hoàng gia" là một trong những lý do để ban hành sắc lệnh. Sắc lệnh đi kèm lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên và lan truyền thông tin có thể gây hại cho an ninh quốc gia.
Một số người biểu tình hôm 14/10 đã chào kiểu ba ngón tay, biểu tượng của phong trào, với đoàn xe chở Hoàng hậu Suthida, trong khi cảnh sát cố đẩy lùi họ.
Thái Lan vốn có luật "lese majeste" nghiêm ngặt quy định các hành vi bất kính với hoàng gia có thể là tội với hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.
Sắc lệnh có hiệu lực lúc 4h ngày 15/10. Gần như ngay sau đó, cảnh sát chống bạo động đã giải tán người tụ tập ở bên ngoài Tòa nhà Chính phủ từ đêm hôm trước.
Cảnh sát cho biết họ đã bắt khoảng 20 người từ đầu ngày 15/10 nhưng không xác nhận danh tính.
BBC nói người bị bắt bao gồm ba lãnh đạo phong trào biểu tình, bao gồm luật sư nhân quyền Anon Nampa, nhà hoạt động sinh viên Parit Chiwarak, và người phát ngôn Liên đoàn Sinh viên Thái Lan Panusaya Sithijirawattanakul.
Phong trào biểu tình đã diễn ra trong ba tháng qua được xem là thách thức lớn nhất với hoàng gia và chính phủ kể từ cuộc đảo chính năm 2014. Người biểu tình kêu gọi thay đổi chính phủ, sửa đổi hiến pháp và giảm bớt quyền lực của nhà vua.