Hội thảo khoa học về tầm nhìn phát triển đô thị TP.HCM hướng tới mục tiêu thành phố sống tốt diễn ra tại sáng 17/11 trong bối cảnh Quốc hội đang thảo luận để thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP.HCM.
Theo các chuyên gia, lựa chọn con đường phát triển dường như đang là thách thức lớn nhất của thành phố hiện nay. Rất nhiều mô hình thành công được đưa ra nhưng bài học nào cho TP.HCM trong điều kiện có rất nhiều vật cản mới là câu hỏi cần lời giải.
Mưa ngập và kẹt xe đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân TP.HCM. Ảnh: Lê Quân. |
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu (Đại học Việt Đức) cho rằng trong hàng chục năm qua, TP.HCM phát triển đô thị thiếu lành mạnh. Hậu quả của xu hướng này là tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập lụt. Đặc biệt, sự phát triển đô thị tràn lan đã khiến việc chống ngập trở nên kém hiệu quả và đắt đỏ.
“Bây giờ, có bán đất cũng không đủ tiền để chống ngập”, TS Hiếu thẳng thắn.
Còn TS Võ Kim Cương cho rằng TP.HCM có ước vọng lớn nhưng hạ tầng yếu thì không đi xa được. Theo ông, hạ tầng không chỉ là hệ thống giao thông đô thị, nhà ở mà còn là vấn đề con người. Chuyên gia này bày tỏ lo ngại về một số đề xuất trong nghị quyết về cơ chế cho TP.HCM đang trình quốc hội.
“Tôi đang lo việc thành phố xin tăng quỹ đất đô thị, giảm đất nông nghiệp, như thế có hiệu quả kinh tế hay không. Việc bùng nổ đô thị trong khi hạ tầng không theo kịp là thách thức mà TP.HCM đang đối mặt. Hạ tầng của thành phố hiện nay có điểm còn thua cả những nơi chúng ta gọi là vùng sâu vùng xa”, TS Võ Kim Cương nói.
Chuyên gia lo lắng dù có cơ chế đặc thù, TP.HCM khó phát triển. Ảnh: Tùng Tin. |
Từ khía cạnh lịch sử văn hoá, TS Nguyễn Thị Hậu (nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển) cho rằng TP.HCM từ hàng chục năm trước đã được định danh là thành phố cảng biển. Vị trí này đóng góp rất nhiều vào sự phát triển thịnh vượng của thành phố. Nhưng hiện nay, với cơ chế quản lý đất đai, thành phố đã cho dời hết cảng biển ra khỏi khu trung tâm, dành đất cho các đại gia bất động sản xây nhà.
“Không còn cảng biển, chúng ta mất nguồn lực. Do vậy, dù có cơ chế đặc thù thì cũng không thể phát triển nổi”, TS Hậu bày tỏ.
Nhìn thẳng vào những vấn nạn của thành phố, nhóm nhà nghiên cứu trẻ của Viện nghiên cứu phát triển cho rằng xây dựng thành phố thông minh là giải pháp cho những vấn đề đô thị mà TP.HCM đang gặp phải.
"Cần tập trung xây dựng đô thị thông minh hơn trong các lĩnh vực: quản lý thông tin quy hoạch và xây dựng, quản lý giao thông đô thị, quản lý rủi ro ngập nước, giám sát chất thải và chất lượng môi trường", nhóm nghiên cứu đề xuất.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Ngọc Hiếu cho rằng thông minh là từ khóa cho sự chuyển đổi của TP.HCM. "Thời kỳ phát triển ‘dễ dãi’ của thành phố đã chấm dứt. Thành phố và toàn vùng đô thị TP.HCM nói chung cần ra các quyết định quy hoạch và phát triển có trách nhiệm dựa vào các bằng chứng và sử dụng các công cụ đánh giá tin cậy nhằm tối ưu hóa nguồn lực sử dụng", ông Hiếu nói.