Trong số gần 7.500 nghi phạm hiện thuộc danh sách truy nã đỏ của Interpol, chỉ còn 30 người bị Trung Quốc truy nã. Trong số này, không ai bị cáo buộc tham nhũng mà chủ yếu là tội phạm bạo lực, South China Morning Post đưa tin ngày 18/2.
Trước đó, danh sách 100 tội phạm tham nhũng trốn ra nước ngoài của Trung Quốc được Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương công bố trên website của Interpol.
Nghi phạm tham nhũng Liu Baofeng tình nguyện về nước tự thú vào năm 2019 sau khi cảnh sát thuyết phục người thân của Liu. Ảnh: CCDI. |
Nhưng lúc này, lệnh truy nã đỏ đối với 100 nghi phạm trên đã bị hủy hoặc khả năng lớn hơn là Trung Quốc yêu cầu Interpol rút danh sách này khỏi cơ sở dữ liệu công khai, theo South China Morning Post.
Lệnh truy nã đỏ do một quốc gia ban hành để truy nã người đang lẩn trốn ở nước ngoài. Interpol không thể buộc các nước bắt giữ đối tượng bị truy nã đỏ và quyết định này thuộc về mỗi quốc gia thành viên. Hiện, chỉ 11% trong số gần 70.000 lệnh truy nã đỏ được ban hành công khai.
Việc danh sách 100 nghi phạm tham nhũng không còn được công khai thể hiện sự thay đổi trong chiến thuật của nhà chức trách Trung Quốc, theo South China Morning Post.
Thay vì dựa vào sự hợp tác với cảnh sát các nước, Bắc Kinh lúc này tập trung dùng các chiến thuật khác lặng lẽ hơn, như gây sức ép tâm lý cho nghi phạm, thuyết phục người thân trong nước, hoặc thông qua thủ tục pháp lý để tịch thu tài sản ở trong và ngoài nước của nghi phạm.
Theo truyền thông Trung Quốc, trong năm 2020 có 28 nghi phạm bị truy nã đỏ đã sa lưới vì tội tham nhũng, dù hoàn toàn không có tên trong danh sách công khai của Interpol.
David Matas, một luật sư người Canada, nhận định việc không công khai lệnh truy nã đỏ có thể là để đối tượng lầm tưởng.
“Nếu lệnh truy nã biến mất khỏi danh sách công khai, nghi phạm có thể cho rằng nó đã biến mất hoàn toàn. Họ có thể tìm cách quay về Trung Quốc và sa lưới của nhà chức trách”, ông Matas nói.