Ghi nhận của Zing những ngày gần đây cho thấy một số hệ thống bán lẻ ở TP.HCM như Emart, MM Mega Market, Tops Market, Lotte... đã bắt đầu dành không gian lớn để trưng bày các sản phẩm bia Tết 2023. "Ăn theo" mùa World Cup, các chương trình khuyến mại cũng được triển khai từ sớm.
Không khí Tết đã bắt đầu xuất hiện trên các kệ hàng bia trong siêu thị ở TP.HCM. Ảnh: Liên Phạm. |
Bia Tết xuất hiện
Hiện tại, các nhãn hiệu như bia Sài Gòn, Heineken, Tiger, Huda.. đều đã thay đổi diện mạo sản phẩm để chào đón dịp Tết Quý Mão. Trong đó, riêng Sabeco là hãng đầu tiên "đón" Tết với dòng bia Saigon Special Tết 2023 phiên bản giới hạn.
Song song đó, hàng loạt hoạt động cũng được triển khai rầm rộ. Nếu Sabeco có chuỗi sự kiện "Happy Chill Year" của thương hiệu Saigon Chill, thì Heineken tổ chức concert với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Trong khi đó, Tập đoàn Carlbergs với các nhãn hiệu bia Carlbergs, Tuborg, Huda cũng nhân dịp cao điểm này để "nam tiến" với không ít sự kiện hoành tráng.
Tận dụng mùa World Cup, các thương hiệu đồng thời phối hợp với các hệ thống bán lẻ triển khai nhiều chương trình khuyến mại như với hóa đơn 400.000 đồng sẽ mua được thùng 24 lon rẻ hơn 40.000 so với giá gốc, tặng 1 thùng đá khi mua 2 thùng bia, tặng 1 túi đeo chéo khi mua 1 lốc 6 lon...
Dù vậy, theo ghi nhận, giá bia tại các siêu thị và tạp hóa vẫn không chênh lệch nhiều. Giá mỗi thùng bia Saigon Lager hiện dao động quanh mức 250.000-260.000 đồng, bia Heineken 432.000-460.000 đồng, bia Tiger nâu 370.000-380.000 đồng, bia Tiger bạc 389.000-410.000 và bia 333 là 267.000-276.000 đồng...
Các hãng bắt đầu rục rịch triển khai ưu đãi và chương trình tri ân khách hàng. Ảnh: Liên Phạm. |
Trong bối cảnh các hãng bia bắt đầu "chạy đà" đón Tết, người tiêu dùng lại tỏ ra chưa hưởng ứng tích cực. Chị Lệ Thanh (quận 7, TP.HCM) cho biết chỉ ghé vào gian hàng bia vì thấy bắt mắt. "Nếu bia nào có ưu đãi mạnh thì tôi mua về dùng thử, còn không thì đợi đến cận Tết chứ chưa có ý định mua sớm", chị nói.
Thực tế, anh Nhật - nhân viên tiếp thị bia tại một siêu thị ở TP.HCM - cũng cho biết sức mua hiện tại chưa cao. Sau nhiều năm làm tiếp thị, anh cho rằng thời điểm này các nhãn hàng chỉ mới tung một số chương trình khuyến mại nhẹ nhằm khuyến khích khách hàng dùng thử. Khoảng một tháng nữa mới có nhiều ưu đãi, quảng cáo rầm rộ cùng loạt chương trình đổi quà và tri ân khách hàng. Từ nay đến đó, lượng bán sẽ bão hòa.
"Tuy nhiên, với những nhãn hàng đã có tên tuổi và đang chạy khuyến mại giảm giá mạnh trong thời gian này thì lại có sức mua tương đối tốt. Như vài ngày trước, khi siêu thị này giảm giá bia Heineken từ 444.000 đồng/thùng còn 389.000 đồng/thùng, mỗi ngày bán được vài trăm thùng. Đến nay, khi quay về giá cũ, sức mua cũng theo đó chững lại", anh nói thêm.
Ở kênh tạp hóa, chị M.T., chủ một cửa hàng ở quận 7 cũng cho biết đã nhập bia Tết từ cách đây vài ngày, nhưng chỉ nhập trước 100 thùng các loại.
"Có năm cận Tết giá bia giảm, sức mua lại giảm. Khi đó tôi ôm lượng hàng lớn buộc phải bán lỗ theo giá thị trường. Năm nay, tình hình kinh tế cũng khó khăn, không biết khách hàng có chi tiền nhiều như mọi năm không nên tôi chỉ nhập cầm chừng", chị chia sẻ với Zing.
Một mùa Tết rất khác
Nhìn lại năm 2020, thị trường bia đã chịu tác động kép từ quy định phòng chống tác hại của rượu bia theo Nghị định 100 và dịch Covid-19. Cùng với các mặt hàng trong ngành F&B, ngành bia chịu ảnh hưởng tiêu cực với sản lượng tiêu thụ 3 quý đầu năm giảm lần lượt 3,6%, 22,9% và 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
Đến năm 2021, tính riêng quý III khi Covid-19 đạt đỉnh, Tổng cục Thống kê cho biết tổng lượng sản xuất bia đã giảm 33% so với cùng kỳ, với gần 100% lượng bia bị hạn chế phân phối trong tháng 8-9 tại TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh phía Nam. Trong khi đó, Nielsen ước tính nhu cầu tiêu thụ bia đã giảm 42% trong quý này so với cùng kỳ.
Phải đến quý IV/2021, khi dịch bệnh cơ bản được khống chế và các hoạt động tiêu dùng trong nước dần được khôi phục, ngành bia mới ghi nhận tăng trưởng dương trở lại.
Theo số liệu Tổng cục thống kê, trong 11 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 514.200 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, sản lượng sản xuất bia của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm tăng 68% so với cùng kỳ, lên 1.700 triệu lít.
Ngành bia đã có sự hồi phục rõ rệt. Ảnh: Liên Phạm. |
Với sự hồi phục rõ rệt trên, hàng loạt doanh nghiệp ngành bia đã công bố kết quả kinh doanh khả quan trong những quý vừa qua. Thậm chí, kết quả kinh doanh của nhiều nhà sản xuất bia đã tăng vượt cả giai đoạn trước dịch.
Trong đó, Sabeco ghi nhận doanh thu đạt 8.635 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.395 tỷ đồng quý III năm nay, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm 2021. Lũy kế trong 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp này mang về 4.424 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho các ông chủ, tăng 75% so với cùng kỳ và hoàn thành 97% kế hoạch lợi nhuận năm.
Sabeco cho rằng bên cạnh đà phục hồi hậu Covid-19, lợi nhuận công ty tăng trưởng còn đến từ chính sách tăng khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, cũng như các biện pháp giảm chi phí, hạn chế ảnh hưởng của giá đầu vào.
Hay như Habeco, trong quý gần nhất, nhà sản xuất bia này cũng ghi nhận 2.440 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi sau thuế 236 tỷ, tăng lần lượt 44% và 72% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 9 tháng, cả doanh thu thuần và lãi sau thuế của Habeco đều tăng trưởng dương hai con số.
Lãnh đạo Habeco cho biết lợi nhuận cải thiện mạnh là nhờ các hoạt động kinh tế - xã hội - du lịch mở cửa trở lại giúp nhu cầu tiêu dùng phục hồi. Năm nay, hoạt động sản xuất của Habeco cũng không còn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đồng thời, công ty đang thực hiện các giải pháp để tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường công tác bán hàng thông qua các chương trình khuyến mại cho người tiêu dùng, cùng các chính sách bán hàng hấp dẫn cho nhà phân phối, đại lý.
Theo báo cáo mới nhất của Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), trong quý IV, sản lượng ngành F&B sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong môi trường lạm phát và thu nhập của người tiêu dùng tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, doanh thu của ngành F&B có thể duy trì nhờ giá bán trung bình (ASP) tăng. Đơn cử, Sabeco đã tăng ASP trên 8% so với cùng kỳ trong môi trường lạm phát và nhu cầu phục hồi mạnh mẽ.
Hơn nữa, lợi nhuận cũng có thể ổn định nhờ biên lợi nhuận gộp được cải thiện. Do đó, đơn vị này kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của các công ty bia sẽ cải thiện trong quý IV nhờ việc hưởng lợi nhiều hơn từ giá nguyên liệu đầu vào đã hạ nhiệt.
Trước đó, vào tháng 9, giá bia đã có loạt điều chỉnh giá, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam cho biết đặc thù của ngành bia nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu. Các nguyên liệu chính như malt, hoa houblon phải nhập 100% hiện đã tăng giá 40-50% do thiếu nguồn cung, chi phí logistics tăng 20-30%. Bên cạnh đó, giá vỏ lon tăng 15-30%, giá nắp chai tăng khoảng 35% so với năm 2021.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế