Trong báo cáo vừa gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam đã đưa ra những số liệu thống kê mới nhất về ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến sự sụt giảm sản lượng của ngành hàng không Việt Nam.
Dừng hết đường bay quốc tế
Tính riêng trong tháng 3, các hãng hàng không Việt phục vụ 2,8 triệu lượt khách, giảm 38% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, sản lượng khách nội địa đạt 2,4 triệu khách, giảm 25%.
Quầy làm thủ tục không một bóng người của một hãng hàng không tại ga quốc tế sân bay Nội Bài trong giai đoạn sụt giảm sản lượng. Ảnh: Việt Linh. |
Thiệt hại lớn nhất nằm ở các đường bay quốc tế với sản lượng chỉ đạt 480.000 khách, giảm 67% so với cùng kỳ.
Các chuyến bay chở hàng dù được coi là không chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh nhưng cũng giảm sản lượng từ 27 đến 30% trong tháng 3.
Từ đầu tháng đến nay, các hãng hàng không Việt Nam cắt giảm liên tục các đường bay đến Hàn Quốc, châu Âu và các nước Đông Nam Á do ảnh hưởng của dịch bệnh. Vietnam Airlines và Bamboo Airways đã thực hiện các chuyến bay quốc tế cuối cùng trong ngày 25/3 trước khi tạm khép lại mạng đường bay quốc tế.
Tính cả 3 tháng đầu năm, các hãng bay Việt vận chuyển được 11,4 triệu hành khách, giảm 11,4% so với năm ngoái. Trong đó khách quốc tế giảm 32,7%, nội địa giảm 0,7%.
Sở dĩ mức sụt giảm hành khách nội địa chỉ 0,7% trong 3 tháng là do ngành hàng không đã khai thác trọn vẹn dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2020 khi thị trường chưa "thấm đòn" dịch bệnh. Điều khiến các hãng bay lo lắng nhất lúc này là nguy cơ "mất trắng" sản lượng trong dịp cao điểm hè 2020 nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Thiệt hại đối với các doanh nghiệp, cảng hàng không, quản lý bay (ACV, VATM) cũng được thấy rõ qua lượng hành khách quốc tế đi và đến trong tháng 3 chỉ đạt 1 triệu khách, giảm 71% so với cùng kỳ. Sản lượng điều hành bay đi/đến đạt 31.200 chuyến, giảm 26%.
Các hãng hàng không chưa công bố doanh số sụt giảm của mình, nhưng có thể nhìn thấy xu hướng này qua thống kê điều hành bay. Theo nguồn tin của Zing.vn, sản lượng điều hành bay trên cả nước (bao gồm tần suất cất hạ cánh và quá cảnh) những ngày cuối tháng 3 sụt xuống còn khoảng 600 - 700 chuyến/ngày, mức sụt giảm kỷ lục so với cùng kỳ năm ngoái là 2.700 chuyến/ngày.
Cầm cự trên khối tiêu sản
Theo thông lệ hàng năm, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng không năm sau so với năm trước đều ở mức 2 con số (trong thời kỳ “bùng nổ” 2013-2016, ngành luôn đạt mức tăng từ 12,6 đến 29,1%).
Thông lệ này đã thay đổi vì dịch Covid-19. Miếng bánh thị trường nhỏ lại trong bối cảnh số hãng bay, quy mô đội máy bay và số đường bay của các hãng năm 2020 đều tăng. Các doanh nghiệp phải chật vật tìm cách cầm cự trên khối tiêu sản của mình, vừa cố gắng duy trì kinh doanh với nhiều chi phí phát sinh.
Máy bay Việt chen nhau tại bãi đỗ sân bay Nội Bài trong giai đoạn ế khách vì Covid-19. Ảnh: Khánh Huyền. |
Cuối tháng 2, Cục Hàng không Việt Nam ước tính các hãng bay Việt sẽ thiệt hại 25.000 tỷ doanh thu trong năm 2020 vì Covid-19. Nhưng những diễn biến mới, bất lợi của dịch đã ngay lập tức khiến thiệt hại trầm trọng hơn. Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (IATA) đã nâng mức thiệt hại của ngành hàng không toàn cầu lên hơn 110 tỷ USD, so với ước tính thiệt hại 29 tỷ USD đưa ra trước đó.
Theo ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, tại thị trường trong nước, dịch bệnh Covid-19 đã “kéo” hàng không chậm lại 3-4 năm và làm cho tích lũy của 4-5 năm trước coi như về 0.
Tần suất bay giảm cũng đồng nghĩa với lượng máy bay phải "nằm phơi" tại các cảng hàng không tăng lên. Tính riêng 69 chiếc A321 đang biên chế, tổng chi phí đỗ máy bay mà Vietnam Airlines đang phải chi trả là khoảng hơn 3,3 tỷ đồng/tháng. VietJet cũng tốn khoảng 3,6 tỷ đồng mỗi tháng để đậu đỗ máy bay. Con số này của Bamboo là khoảng 1,24 tỷ đồng/tháng và của Jetstar Pacific Airlines khoảng 720 triệu đồng/tháng. Số liệu này dựa trên mức giá thuê bãi đỗ được quy định trong thông tư của Bộ GTVT.
Trong số hàng chục máy bay của các hãng phải ngừng hoạt động, những máy bay thuê của nước ngoài là gánh nặng lớn nhất. Một hãng hàng không tiết lộ mức tiền thuê một máy bay từ 0,4 triệu đến 1 triệu USD/tháng.
Để vận hành trong mùa dịch, các hãng hàng không cũng phải chi thêm tiền cho quy trình khử trùng máy bay với nhiều cấp độ. Theo thông tin từ Vietnam Airlines, hãng phải chịu chi phí khử trùng, lau chùi vệ sinh máy bay trước mỗi chuyến với mức giá 3,2 triệu đồng/chiếc A321 và 6 triệu đồng/chiếc B787.
Gần đây, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã quyết định giảm giá 7 loại dịch vụ để chia sẻ khó khăn với các hãng bay gồm dịch vụ dẫn máy bay (giảm 50%), dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất (giảm 10%).
Tuy nhiên, có 5 loại dịch vụ hàng không do Nhà nước quy định mức giá, doanh nghiệp như ACV chỉ có vai trò đứng ra thu hộ mà không thể điều chỉnh. Các dịch vụ sân đỗ, dịch vụ điều hành bay, cất hạ cánh... đều nằm trong danh mục này.
Bên cạnh các giải pháp tự thân để tháo gỡ khó khăn, doanh nghiệp hàng không vẫn đang chờ đợi được phê duyệt các chính sách hộ trợ cụ thể từ Nhà nước.