Hana đã cố gắng, quả thật đã rất cố gắng. Suốt chín năm trời, từ vực thẳm ký ức, Hana đã muốn ngoi lên để sống, nhưng không thể được. Hana bị mắc kẹt trong bùn lầy quá khứ, rất sâu, rất lâu… và không còn lý do để sống.
1. Vào một ngày mùa hè năm 1945, sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, một người đàn bà lê bước trở về ngôi nhà cũ của mình ở thành phố Mezirící (Tiệp Khắc). Khi trông thấy người làm công của gia đình mình là Alios, cổ họng nghẹn lại, đầu gối run lên, người đàn bà gục mặt khóc nức nở. Alios kéo ghế đến cho bà ngồi, ân cần hỏi: “Bà đỡ chưa? Tôi có phải gọi cho ai không?”. Người đàn bà ngẩng đầu lên… Alios kinh ngạc và thốt lên đầy thương xót: “Trời ơi, cô Hana…”.
Và anh bật khóc. Đó là những giọt nước mắt thương tiếc và kinh hoàng. Thương tiếc, vì Hana chỉ trở về một mình, những người còn lại của gia đình Hana đều vĩnh viễn biến mất trong lò hơi ngạt của Hitler. Kinh hoàng, vì hình dạng của Hana.
Ba năm bị đày ải trong các trại tập trung của quân SS, Hana gầy guộc ốm yếu, tóc vừa bạc vừa hói, răng rụng hết, nước dãi rơi xuống cằm, má hóp, đôi mắt vô hồn lọt trong hai hố sâu, các khớp tay chân sưng tấy, đi đến đâu cũng bị mọi người xua đuổi vì hôi hám và bẩn thỉu… Nhìn cái hình hài già nua khọm rọm, xấu xí, gớm ghiếc, thảm thương trước mặt, anh Alios không thể tin nổi đó là cô Hana mới 25 tuổi. “Trời ơi, cô Hana…”.
Vâng, người này từng là cô Hana xinh như diễn viên điện ảnh, nhưng sau đó trở thành ngôi sao vàng thêu trên ngực áo, thành con số 79, thành dãy số có sáu chữ số bên cánh tay trái trong trại tập trung ở Auschwitz, thành cái xác không hồn. Bởi vì, Hana là người Do Thái!
Ông bà ngoại, mẹ Hana, hơn 1.200 trẻ em và tất cả người Do Thái bị cưỡng bức vào các trại tập trung đều chết trong lò hơi ngạt hoặc lò thiêu của quân Hitler. Nhiều người khác không chịu đựng nổi sự đày ải, đã lao mình vào hàng rào điện. Hana muốn đến hàng rào điện, nhưng cô bị đánh gục, bị đưa vào phòng giam của tử tù. Khi quân SS rút đi, người ta phá cửa ngục, cả phòng hai mươi tử tù thì mười tám người đã thành tử thi, chỉ còn Hana và một người nữa đang ngắc ngoải…
Sách Bác Hana. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam. |
Cuộc đời của Hana - nhân vật chính trong tiểu thuyết Bác Hana của nữ nhà văn Séc Alena Mornštajnová (bản tiếng Việt do Bình Slavická dịch, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành năm 2023) là tổng hợp của chữ “bi”: bi kịch, bi đát, bi thảm, bi thiết, bi thương, bi ai. Đói, khát, rét, bị phản bội, bị hãm hại, bị đánh đập, bị khổ sai, bị cô độc,… Hana muốn chết mà không chết được và cũng không được chết.
Sau chiến tranh, tình yêu và sự chăm sóc tận tình của người em gái Rosa vẫn không thể kéo Hana trở về với đời sống bình thường. Nỗi ân hận, cắn rứt lương tâm vì đã cản trở sự di tản của gia đình dẫn đến việc những người thân yêu phải chết dưới tay bọn SS khiến Hana luôn đau đớn, dằn vặt.
Chấn thương thể xác và tinh thần quá lớn, bóng ma quá khứ không thôi ám ảnh khiến Hana luôn rối loạn tâm trí và phải chịu đựng những cơn sợ hãi. Hana mất khả năng kết nối với đồng loại, không nói năng, không đụng chạm âu yếm. Vậy mà cô vẫn bị sống, phải sống, “không còn cái gì để vì nó mà sống, nhưng lại không biết làm sao để chết”.
Rồi một ngày, Hana có lý do để sống, và nhận ra mình “không thể chết được nữa”.
2. Hana không thể chết là vì Mira - con gái của Rosa. Cả gia đình Rosa chết vì dịch thương hàn, chỉ còn lại một mình Mira chín tuổi. Mira tự lớn lên bên cạnh bác Hana khô khan, lạnh lùng; hai con người cô độc - hai con người cô độc dưới một mái nhà im lìm.
Alena Mornštajnová đưa độc giả chạm vào ký ức của nhân vật. Chạm vào những nỗi đau thấu trời để hiểu được thảm hoạ của chiến tranh và nạn diệt chủng; chạm vào số phận của một con người để hiểu được số phận của một dân tộc; chạm vào một cuộc chiến tranh mà thấy được bản chất của mọi cuộc chiến tranh.
Từng dửng dưng chán chường rồi vô cảm trước cá tính lập dị của bác, từng giận hờn bỏ đi trong đêm vì bác không quan tâm đến sinh nhật của mình…; nhưng rồi bằng tình thương và nỗi cảm thông, Mira dần hiểu mọi đau thương của bác Hana. Mira hiểu vì sao bác luôn để bánh mì trong túi áo, trong ngăn kéo bàn và dưới gối; vì sao mỗi khi mất bình tĩnh, bác phải bẻ một miếng bánh mì cho vào miệng để tự trấn tĩnh; vì sao bác sợ hãi và phản ứng dữ dội khi người khác chạm tay vào mình; vì sao sinh nhật và ăn mừng sinh nhật là thứ bác không nhớ được và cũng không muốn nhớ…
Từ khi có Mira, bữa ăn của bác Hana không chỉ có bánh mì, vì bác hiểu trẻ con cần vitamin. Bác “thích sự cô đơn của mình, nhưng luôn chờ mong đến khi Mira về nhà”. Đêm Mira bỏ nhà đi vì Hana thờ ơ với sinh nhật của nó, bác thức chờ nó cả đêm. Và khi Mira hiện ra ở cửa, trong người bác “như bừng lên một cái gì rất giống niềm hạnh phúc”. Mira đã “trở thành tâm điểm mới trong sự tồn tại” của bác Hana, dù bác chưa từng nói ra điều đó.
Mira lấy chồng. Khi cháu rể Gusta nói rằng: “Cháu đến cảm ơn bác, vì bác đã cho Mira một tổ ấm gia đình”, bác Hana khô khan lạnh lùng đã bật khóc. Bác khóc cho vợi lòng tất cả những gì dồn nén suốt hai mươi năm qua. Và khi ra về, Gusta cúi mình nói nhỏ: “Mira rất cần bác….”; từ lúc đó, trong tâm trí Hana chỉ đọng lại hai chữ “rất cần”.
Mira sinh con, cô xin bác Hana dạy mình đan len. Hana đã quên đi rất nhiều thứ, và nhiều thứ khác thì lẫn lộn lạ lùng, nhưng khi chạm vào những chiếc kim đan, các ngón tay bà như nhớ lại tất cả, ký ức lại ùa về.
3. Chiến tranh thế giới thứ hai đã lùi xa hơn nửa thế kỷ nhưng tội ác kinh hoàng của quân đội Hitler với người Do Thái thì mãi vẫn chưa xóa nhòa trong tâm thức nhân loại. Danh sách của Schindler của Thomas Keneally, Cây vĩ cầm Ave Maria của Kagawa Yoshiko, Mọi thứ được soi tỏ của Jonathan Safran Foer, Con của Noé của Éric-Emmannuel Schmitt, Không số phận của Kertész Imre… đều là những tác phẩm xuất sắc viết về đề tài này.
Sinh sau đẻ muộn, nhưng đứng bên cạnh các tác phẩm đó, Bác Hana của Alena Mornstajnová vẫn vững vàng toả sáng. Bác Hana giành giải thưởng Česká Kniha (giải thưởng sách Séc) năm 2018 và khiến Alena Mornštajnová trở thành một trong những nhà văn được yêu thích nhất của văn học Séc đương đại. Tác phẩm được dịch ra 18 ngôn ngữ, được chuyển thể sân khấu và điện ảnh. Điểm đặc sắc của Bác Hana là ở cách mà nhà văn Alena Mornštajnová chạm vào ký ức của nhân vật. Đó là lối viết nữ.
Tác giả Alena Mornštajnová tại buổi giao lưu về tiểu thuyết Bác Hana tại Hà Nội vào tháng 5/2024. |
Trong tiểu thuyết Bác Hana, phụ nữ là nhân vật trung tâm và nhân vật chính; phụ nữ chiếm ưu thế về số lượng và giữ vai trò tạo nên tình huống truyện; trần thuật nữ chiếm thế thượng phong với hai người kể chuyện chính là Hana và Mira; giọng điệu đậm chất nữ tính với cách kể chậm rãi, điềm đạm và ngôn từ trang nhã kể cả khi nói về nỗi đau thương và mất mát đến tột cùng.
Đó là cách mà Alena Mornštajnová đưa độc giả chạm vào ký ức của nhân vật. Chạm vào những nỗi đau thấu trời để hiểu được thảm hoạ của chiến tranh và nạn diệt chủng; chạm vào số phận của một con người để hiểu được số phận của một dân tộc; chạm vào một cuộc chiến tranh mà thấy được bản chất của mọi cuộc chiến tranh.
Kết cấu truyện đan xen giữa quá khứ và hiện tại, phân mảnh ký ức, đảo thuật liên tục nhưng mạch truyện lại rất rõ ràng và lớp lang cho thấy Alena Mornštajnová không cố ý thách đố người đọc, mà chủ đích là tạo sức cuốn hút và tìm sự đồng cảm ở họ. Mỗi một chi tiết, tình tiết, tiểu tiết trong toàn tác phẩm đều được bố trí kín kẽ, liên hệ chặt chẽ, hô ứng nhịp nhàng nhờ phép phục bút và phép dự thuật được thực hiện vô cùng khéo léo. Đó chính là nghệ thuật kết cấu ngầm của văn bản mà chỉ những nhà văn tài năng mới có thể thực hiện được.
Alena Mornštajnová cho thấy tài năng của ngòi bút tự sự bậc thầy; tác phẩm Bác Hana đã thực sự lay động tâm can người đọc một cách chân thành nhất, tinh tế nhất.
Mất mát, buồn đau, thất vọng, hiểu lầm, oán hận… dần được thay thế bằng sự tìm thấy, niềm vui, hy vọng, thấu cảm và thứ tha từ kiểu kết cấu ngầm này. Trong cốt truyện đan xen quá khứ và hiện tại, chiến tranh và tình yêu, lịch sử dân tộc và lịch sử gia tộc, ký ức cá nhân và ký ức cộng đồng, Alena Mornštajnová đã cân bằng được mối quan hệ giữa việc thi triển phương lược, sách lược, mưu lược và chiến lược tự sự với mục đích chuyển tải nội dung cốt truyện và tác động đến cảm xúc của người đọc.
Hội thảo về tác phẩm Bác Hana tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội (phải); và Giao lưu giữa dịch giả và bạn đọc về tác phẩm “Bác Hana” do Đại sứ quán Cộng hòa Séc và NXB Phụ nữ Việt Nam tổ chức. |
Vì thế, về mặt lý trí, Alena Mornštajnová cho thấy tài năng của ngòi bút tự sự bậc thầy; về mặt cảm xúc, tác phẩm đã thực sự lay động tâm can người đọc một cách chân thành nhất, tinh tế nhất.
Đau đớn từ thể xác đến tâm hồn; cô độc, trầm uất, câm lặng, trơ lạnh và chai sạn, bác Hana không còn lý do để sống. Vợ chồng Mira đã mang lý do đến cho bác, lý do đó không chỉ là tình yêu thương và cảm thông, mà là giá trị con người: sự-sống-của-ta-cần-thiết-cho-một-ai-đó. Mira “rất cần” bác. Con của Mira cũng “rất cần” bác.
Thế hệ sau không can thiệp được vào những chấn thương trong chiến tranh, nhưng có thể làm vơi nỗi đau thời hậu chiến của bác Hana, kéo bác ra khỏi vũng lầy tăm tối của ký ức đau thương bằng việc đánh thức bản năng phụ nữ trong bác - bản năng che chở và hy sinh. Với bản năng này, thiên tính này, bây giờ, Hana không chết được và cũng không được chết!
Trong ngôi nhà có hơi ấm trẻ sơ sinh, Hana chăm chú nhìn vào que đan: “Các ký ức vẫn quay trở lại. Vẫn còn nhiều ký ức nặng nề, nhưng có thêm cả nhiều cái mới. Vì chúng mà tôi vẫn còn muốn sống”. Hana không hồi sinh đơn giản từ kiểu kết thúc có hậu hay lý thuyết giáo điều về tính nhân đạo, nhân văn thường thấy; mà hồi sinh từ thiên tính nữ qua bút pháp nữ của Alena Mornštajnová - xuất sắc, riêng biệt, không hề khiên cưỡng và sáo mòn.
“Trời ơi, cô Hana…”, nếu gặp lại Hana từ giờ phút này, chắc chắn anh Alios cũng sẽ bật lên câu đó, nhưng không vì thương tiếc và khinh hoàng, mà vì vui mừng và thán phục. Cô Hana - bác Hana nhắc ta nhớ đến câu văn bất hủ của Alexei Tolstoi trong kiệt tác Con đường đau khổ: “Năm tháng sẽ trôi qua, những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét và sẽ còn lại không phôi pha tấm lòng em nhẫn nại dịu dàng và chan chứa tình yêu thương…”.
--
Bác Hana được trao giải B tại Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII năm 2024, hạng mục sách Sách Văn hóa, Văn học và Nghệ thuật.
Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII (2024) được tổ chức vào 20h ngày 29/11/2024 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), truyền hình trực tiếp trên VTV1 và Tri Thức - Znews. Đơn vị tài trợ: Vingroup, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, Tổng công ty Giấy Việt Nam.