Thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Ảnh: Asia Global |
Gunsan là một thành phố cảng sầm uất, đồng thời cũng là trung tâm công nghệ cao trên bờ biển phía tây của bán đảo Triều Tiên. Chị Đỗ Ngọc, đang sống tại Gunsan, nói với Zing.vn rằng mọi việc nơi chị sống vẫn diễn ra bình thường. Chị cho rằng mâu thuẫn Hàn – Triều vẫn diễn ra thường xuyên trong suốt hơn 60 năm qua từ khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc nên mọi người đã quen với tình trạng căng thẳng.
Người phụ nữ Việt kể cô giáo của chị ở Gunsan không biết gì về tình hình ở biên giới vì không xem thời sự trong những ngày vừa qua.
"Cô giáo không sợ nếu chiến tranh xảy ra, vì cô tin Chúa sẽ bảo vệ người dân Hàn Quốc'", chị Ngọc kể.
Nhịp sống ở thủ đô của Hàn Quốc không thay đổi, dù thế giới đổ dồn sự chú ý vào đàm phán liên Triều. Đó là cảm nhận của bạn Đặng Mỹ Linh, du học sinh Việt Nam tại thành phố Seoul. Theo Linh, những người xung quanh cô không cảm thấy căng thẳng.
"Người Hàn vẫn tới công ty làm việc bình thường. Họ nói người dân không nên sợ bởi hai nước từng căng thẳng nhiều lần trong quá khứ", Linh cho biết.
Giới chức ở Incheon, thành phố đông dân thứ ba tại Hàn Quốc, không ban bố tình trạng khẩn cấp, Bùi Anh Thư - du học sinh tại Đại học Yonsei ở thành phố Incheon - cho biết. Theo cô, cuộc sống của người dân tại đây không xáo trộn bởi những diễn biến tại vùng biên giới.
"Cuộc sống ở đây vẫn diễn ra như thường lệ. Những người Hàn Quốc mà tôi quen tin rằng chiến tranh sẽ không xảy ra. Khi thời hạn tối hậu thư kết thúc vào ngày 22/8, chỉ những người dân sống gần khu vực biên giới sơ tán. Chính quyền địa phương không ban bố tình trạng khẩn cấp", Anh Thư kể.
Anh Vũ Mão, người Việt đang làm việc gần sân bay Incheon, thấy người dân vẫn đi làm bình thường, sinh hoạt diễn ra như mọi ngày. Mão sống ở Hàn Quốc 3 năm và ví câu chuyện Hàn – Triều giống như hai người hàng xóm "thỉnh thoảng cãi nhau". Anh không hoang mang trước tình hình hiện nay.
Người thanh niên sinh năm 1987 cho biết, người Việt tại Hàn Quốc có vẻ lo lắng hơn người Hàn. Cũng theo anh, rất ít người Việt sống ở vùng biên giới vì thời tiết lạnh và khu vực đó không có nhiều khu công nghiệp. Người Việt tập trung nhiều ở Seoul và các vùng lân cận.
Người Hàn Quốc lánh nạn trong hầm trú ẩn gần biên giới với Triều Tiên sau khi hai nước đấu pháo ngày 20/8. Ảnh: EPA |
Chị Kiều Thu Hà sống gần căn cứ quân sự Osan của Hàn Quốc. Người phụ nữ 34 tuổi nói rằng chị không cảm thấy sợ khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên dâng cao. Tuy nhiên, nếu xung đột giữa hai nước bùng nổ, chị sẽ đưa con về Việt Nam.
Theo chị, nếu chiến tranh bùng nổ, vùng giáp biên giới sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên nên chị sẽ có đủ thời gian để chuẩn bị cho chuyến trở về quê hương. Tuy nhiên, chị nhận định khả năng chiến tranh xảy ra là rất thấp, bởi Triều Tiên chỉ đẩy căng thẳng lên mức cao để gây sức ép với chính phủ Hàn Quốc, chứ cũng không thực sự muốn dùng vũ lực.
Căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc gia tăng trong những ngày gần đây sau cuộc đấu pháo ở vùng biên giới hôm 20/8. Bình Nhưỡng ra tối hậu thư, yêu cầu Seoul bỏ các loa tuyên truyền chống Triều Tiên trước thời điểm 17h ngày 22/8 và đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến tranh. Hàn Quốc từ chối yêu cầu của Bình Nhưỡng. Tối 22/8, quan chức cấp cao hai nước đã ngồi vào bàn đàm phán nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Tuy nhiên, đến nay cuộc đàm phán vẫn chưa đạt kết quả.