"Một chương mới trong lịch sử được mở ra hôm nay", Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung Gyon nói trong buổi lễ khánh thành hôm 14/9, gọi văn phòng là "một biểu tượng khác của hòa bình cùng được kiến tạo bởi miền Nam và miền Bắc".
Theo AFP, trưởng phái đoàn Triều Tiên Ro Son Gwon đáp lại bằng lời lẽ thân tình, nói việc thành lập văn phòng liên lạc "là quả ngọt thực sự được vun trồng bởi người dân hai miền Nam, Bắc".
Văn phòng liên lạc nằm ở thành phố Kaesong, nơi từng thuộc về miền Nam bán đảo Triều Tiên sau khi Moscow và Washington chia đôi bán đảo trong những ngày cuối Thế chiến 2. Tuy nhiên, thành phố thuộc về chính quyền Bình Nhưỡng sau cuộc chiến 1950-1953.
Quan chức Hàn Quốc và Triều Tiên tham dự lễ khánh thành văn phòng liên lạc được lập tại thành phố Kaesong thuộc Triều Tiên hôm 14/9. Ảnh: Bộ Thống nhất Hàn Quốc. |
Tòa nhà 4 tầng bao gồm các văn phòng riêng của Hàn Quốc và Triều Tiên cùng một phòng họp chung. Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói nơi này sẽ trở thành "một kênh tham vấn và trao đổi 24/7" nhằm thúc đẩy quan hệ liên Triều, cải thiện quan hệ Mỹ - Triều và xoa dịu căng thẳng quân sự.
Văn phòng sẽ được điều hành bởi khoảng 20 nhân sự của mỗi bên, dẫn đầu là một quan chức tương đương cấp thứ trưởng.
Hai miền Triều Tiên đã theo đuổi các dự án chung trong nhiều lĩnh vực kể từ sau hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 4, bất chấp việc những nỗ lực của Mỹ trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo vẫn chưa đạt được tiến triển cụ thể.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In sẽ bay đến Bình Nhưỡng vào ngày 17/9 để gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un với hy vọng thúc đẩy quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa đang dậm chân tại chỗ.
Cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo cũng như các hoạt động chính trong chuyến thăm 3 ngày sẽ được tường thuật trực tiếp trên truyền hình, theo văn phòng tổng thống Hàn Quốc.
Chuyến thăm của ông Moon đánh dấu lần thứ 3 ông gặp lãnh đạo tối cao Triều Tiên trong năm nay sau khi ông đóng vai trò then chốt dẫn đến sự hòa dịu trên bán đảo cũng như đưa đến hội cuộc gặp lịch sử giữa ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6.