Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàn Quốc siết nạn làm thêm giờ, văn hóa làm thêm việc thế chỗ

Sau khi chính phủ Hàn Quốc giảm giờ làm tối đa từ 68 xuống còn 52 giờ, nhiều người buộc phải làm một lúc hai, ba công việc để bù lại thu nhập.

Kim Jeong Cheol thức dậy lúc 6h sáng mỗi ngày để đi giao hàng. Mỗi tối, ông lái taxi chở những người giàu có hơn về nhà. Khi Kim kết thúc một ngày làm việc thì đã quá nửa đêm. Không những thế, ông và vợ còn kiêm làm đại lý phân phối mỹ phẩm.

Kim là một trong số những người sống tại thủ đô Seoul làm nhiều công việc cùng một lúc. Tình trạng này là một trong những hậu quả chính phủ không lường trước được khi "tuyên chiến" với việc làm thêm ngoài giờ.

Văn hóa làm thêm việc

Ngày 1/7, Hàn Quốc tuyên bố điều chỉnh số giờ làm việc tối đa trong tuần từ 68 giờ xuống còn 52 giờ. Tuy nhiên, quy định mới này phản tác dụng đối với lực lượng lao động chân tay và lao động không thường xuyên. Bộ phận này chiếm một phần ba lực lượng lao động.

Ông Kim Jeong Cheol là ví dụ điển hình. Sau khi luật mới được ban hành, đồng nghĩa với việc nhân viên văn phòng được về sớm, số cuốc lái xe buổi tối của ông giảm mạnh. Trước nguy cơ thiếu thu nhập nhưng còn phải nuôi 3 đứa con, ông nhận đi giao hàng và hiện làm việc khoảng 19 giờ/ngày.

“Chúng tôi từng là một gia đình hạnh phúc. Tôi dành nhiều thời gian cho các con. Khi có chút thời gian rảnh, tôi đọc Kinh thánh”, người đàn ông 59 tuổi chia sẻ.

Han Quoc giam gio lam anh 1
 Kim Jeong Cheol làm việc 19 tiếng một ngày. Ảnh: Guardian.

Thu nhập của Kim đã giảm 40% và ông không phải là trường hợp duy nhất. Park (không cho biết tên đầy đủ) kể rằng cô bắt đầu làm việc ở cửa hàng tiện lợi sau khi hụt mất 500.000 won (445 USD) mỗi tháng vì chính sách cải cách giờ làm. Seo, công nhân xây dựng, cho biết đã kiếm thêm một công việc nữa là phụ xe buýt.

Quốc hội Hàn Quốc ước tính 150.000 lao động sẽ đối mặt với mức giảm thu nhập 410.000 won (365 USD) một tháng, khi chính sách điều chỉnh giờ làm việc có hiệu lực.

“Các nhà lập pháp thông qua luật mới nhưng luật này chỉ có lợi cho người có tiền, có quyền”, ông Kim Jeong Cheol nói thêm.

Một cuộc sống có buổi tối

Vào thập niên 1960, kinh tế Hàn Quốc phát triển nhanh chóng, đưa đất nước vốn vẫn đang loay hoay sau chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 lên thành nền kinh tế lớn thứ 12 toàn thế giới. Sự phát triển vũ bão cho ra đời những tập đoàn khổng lồ như Samsung, Hyundai và LG. Các tập đoàn kinh tế thậm chí còn có tầm ảnh hưởng chính trị quan trọng, nhưng để có được thành tựu này, người lao động phải đánh đổi thời gian thư giãn của họ.

Hàn Quốc nằm trong số những quốc gia có giờ làm việc dài nhất trong số các thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chỉ đứng sau Mexico.

Môi trường làm việc khắc nghiệt là gốc rễ cho một loạt vấn đề xã hội, từ tỷ lệ sinh thấp đến năng suất giảm. Chun Hyun Back, bộ trưởng Bình đẳng giới và Gia đình, từng nói giờ làm việc “dài một cách vô nhân đạo” và nhận định văn hóa tăng ca đã đóng góp vào tình trạng già hóa dân số nhanh chóng của Hàn Quốc.

Dù nhận được thu nhập trung bình tương tự nhau, người Hàn Quốc làm nhiều hơn người Anh, Australia 340 giờ/năm, tương đương với 9 tuần làm việc tiêu chuẩn. So với lao động Mỹ, người Hàn làm nhiều hơn 6 tuần.

Han Quoc giam gio lam anh 2
Nhiều người Hàn Quốc phải kiếm thêm việc làm sau khi nước này cải cách giờ. Ảnh: Alamy.

Tuy nhiên, trong khi những người hưởng lương theo giờ phải chịu tác động tiêu cực, nhân viên văn phòng lại đang ăn mừng luật mới. Nhiều người từ lâu đã luôn phàn nàn về văn hóa làm thêm giờ áp lực. Một số cho biết cấp trên trước kia thường giao việc ngoài giờ hành chính, khiến nhân viên có xu hướng trì hoãn trong ngày vì họ biết đằng nào cũng phải ở lại buổi tối.

Theo quy định mới, chủ lao động vi phạm luật có thể đối mặt với án tù 2 năm và tiền phạt nặng. Tòa thị chính Seoul cắt điện từ 19h thứ 6 hàng tuần. Một số công ty tư nhân luôn nhắc nhở nhân viên về nhà sớm. Một số nơi làm việc còn lắp camera giám sát và giới hạn giờ quẹt thẻ của nhân viên ở lối ra vào. 

“Rất khó để nói với cấp trên là bạn sẽ về nhà sớm trong khi họ vẫn đang ở văn phòng”, Jay Jung, 27 tuổi, nói. Làm trong ban quản lý bệnh viện, Jung thường phải tăng ca 2-3 giờ/ngày.

Nhưng đó là trước khi chính sách mới được ban hành. “Giờ cuộc sống của chúng tôi đã có buổi tối vì chúng tôi có thể về nhà đúng giờ”, anh cho biết thêm.

Phương kế cuối cùng

Tuy nhiên, tình hình đối với tầng lớp lao động tay chân, như đã nói, lại hoàn toàn đối nghịch. Phần lớn những người thuộc bộ phận này đều đang lên tiếng chỉ trích luật mới. Theo họ, chính sách cải cách đang khiến họ phải làm việc tới mức bỏ bữa tối.

Han Quoc giam gio lam anh 3
Kim Jong Yong là tài xế bị ứng dụng đặt xe chặn vì đã ủng hộ quyền cho người lao động. Ảnh: Guardian.

Kim Jong Yong, trưởng Hiệp hội Tài xế Hàn Quốc, cho biết từ khi luật được thông qua, khoảng 20.000 người đã đổ dồn vào công việc lái xe theo yêu cầu. Trước làn sóng nhân lực mới, các công ty giảm chi phí cho khách hàng. Kim Jong Yong là một trong số những người bị ứng dụng đặt xe lớn nhất nước này chặn do tham gia hoạt động xã hội đấu tranh vì quyền của người lao động.

Tất cả sự lùm xùm xung quanh chính sách giảm giờ làm khiến Kim tự hỏi: “Những quy định pháp lý bảo vệ chúng tôi đang ở đâu?”.

"Luật 52 giờ đáng lẽ phải có lợi cho tất cả. Tuy nhiên, nó chỉ đang mang lợi ích tới cho những người làm công việc lương cao, ổn định như cán bộ nhà nước hay nhân viên công ty”, ông nói.

“Nhận nhiều công việc là cách duy nhất để mọi người không bị ra đường. Đó là kế sách cuối cùng. Sự khốn đốn này phản ánh cách xã hội Hàn Quốc đối xử với tầng lớp lao động”, ông chia sẻ.

Hàn Quốc giảm giờ làm: Người lao động vui, các nhà hàng gặp khó

Nhờ chính sách cải cách giờ làm của chính phủ, người lao động Hàn Quốc được tan làm sớm hơn. Tuy nhiên, đây lại là tin xấu đối với ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống tại nước này.

Hàn Quốc giảm thời gian làm việc 68 giờ/tuần từng bị coi 'vô nhân đạo'

Chính phủ Hàn Quốc vừa cắt giảm thời gian làm việc tối đa mỗi tuần từ 68 giờ xuống còn 52 giờ, động thái nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống và ngăn chặn tình trạng già hóa dân số.

Ngọc Hà (theo Guardian)

Bạn có thể quan tâm