Theo đạo luật lao động sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7, chính phủ Hàn Quốc cắt giảm số giờ làm việc tối đa trong tuần từ 68 giờ xuống còn 52 giờ.
Từ lúc có sự thay đổi này, công nhân tại một nhà máy đóng tàu lớn cho biết nhiều người cố gắng về nhà nhanh khi sắp tới giờ tan làm. Hệ thống máy tính tự động tắt sau 17h30 nên “chẳng có việc gì để làm kể cả nếu bạn ở lại”, người này nói.
Chính sách điều chỉnh giờ làm việc đang khiến doanh thu của các nhà hàng tại Hàn Quốc giảm mạnh. Trong khi đó, ngành kinh doanh dịch vụ của nước này vốn vẫn đang chật vật từ khi chính phủ ban hành luật chống tham nhũng vào tháng 9/2016 nhằm hạn chế các buổi liên hoan chiêu đãi giữa các cán bộ, quan chức trong cơ quan chính phủ.
“Sau 22h, lượng khách tới đây giảm đáng kể”, Nikkei dẫn lời chủ một quán bar nổi tiếng thường tổ chức tiệc liên hoan nói.
Nhà hàng Hàn Quốc vắng vẻ dù vào 7h tối. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Dịch vụ ăn uống tại Hàn Quốc đang phải cùng lúc đối mặt với ba khủng hoảng. Thứ nhất, người lao động tan làm sớm có thể về nhà tự nấu ăn. Thứ hai, quy định hạn chế các công chức liên hoan góp phần làm số người đến các nhà hàng ít đi. Thứ ba, chi phí nhân công tăng sau khi chính sách tăng 16,4% mức lương tối thiểu cho người lao động chính thức có hiệu lực vào tháng 1.
Chủ nhà hàng 50 tuổi tại tỉnh Nam Jeolla cho biết doanh thu tháng 7 của ông sụt 20-30% so với năm trước. “Lượng khách hàng trong ngày không có gì thay đổi, nhưng số khách buổi tối giảm mạnh. Tôi đang nghĩ đến việc lắp đặt máy lấy số phục vụ để cắt giảm nhân viên”, ông nói.
Trong lúc đó, siêu thị và các hàng tạp hóa online lại thu lợi khi những người lao động được phép dành nhiều thời gian ở nhà hơn. Nhu cầu các mặt hàng tươi sống tăng khi người dân được về nhà sớm để chuẩn bị bữa tối.
“Chúng tôi không có con số chính xác nhưng lượng các mặt hàng tươi như thịt cá bán ra đều đang tăng”, người điều hành Tập đoàn Lotte cho biết.
Nhà vận hành trang web thương mại điện tử eBay Gmarket cho hay trong giai đoạn từ 1-9/7, sản lượng thịt nhập khẩu tăng 88% và kimchi tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lượng phiếu khuyến mãi tại các nhà hàng giảm 25% và doanh thu của các cửa hàng tiện lợi cũng đang xuống dốc.
Sự thay đổi trong phong cách sống của người Hàn Quốc đang ảnh hưởng đến nhiều khu vực kinh tế. Một số người kêu gọi chính phủ chuẩn bị các biện pháp đối phó với nguy cơ phá sản của một loạt các cửa hàng nhỏ không thể cạnh tranh.