Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàn Quốc muốn tuyên bố kết thúc chiến tranh, Triều Tiên phóng tên lửa

Việc Triều Tiên thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm ngay đầu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Moon Jae In thúc đẩy ban hành tuyên bố kết thúc chiến tranh.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đang cố gắng thúc đẩy tuyên bố chính thức kết thúc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, bất chấp nhiều tháng nỗ lực đối thoại không có kết quả và phơi bày một số bất đồng trong mối quan hệ Seoul - Washington.

Đáp lại những nỗ lực thúc đẩy hòa bình của chính quyền Tổng thống Moon, Triều Tiên đã phóng một tên lửa siêu vượt âm ngoài khơi bờ biển phía đông nước này hôm 5/1 (giờ địa phương). Đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên của Triều Tiên trong năm 2022.

Quả tên lửa được phóng đi chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Moon dự lễ khởi công tuyến đường sắt được kỳ vọng nối liền hai miền của bán đảo Triều Tiên.

Vài giờ sau vụ phóng tên lửa, Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc (NSC) đã tổ chức họp tại Nhà Xanh. Theo Korea Times, các quan chức có mặt tại cuộc họp chỉ bày tỏ "lo ngại" về vụ phóng tên lửa, song không mô tả sự việc này bằng những tính từ mạnh như "khiêu khích".

"Vụ phóng tên lửa có thể được sử dụng như một quân bài để mặc cả, khi Triều Tiên tham gia vào các cuộc đàm phán với chính phủ tiếp theo của Hàn Quốc sau cuộc bầu cử tổng thống mới vào tháng 3", Shin Jong Woo, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Hàn Quốc, nhận định, theo Korea Times.

Di sản hòa bình

Xung đột trên bán đảo Triều Tiên bắt đầu từ tháng 6/1950. Vào ngày 17/7/1953, Triều Tiên, Trung Quốc và Mỹ đã ký hiệp định đình chiến. Tuy nhiên, tuyên bố kết thúc chiến tranh chính thức vẫn chưa được công bố.

Triều Tiên, Trung Quốc và Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc do Mỹ đứng đầu đã thảo luận về việc ký hiệp ước hòa bình trong vòng ba tháng sau khi đình chiến, song kế hoạch này đã thất bại.

Do đó, trên lý thuyết, bán đảo Triều Tiên hiện vẫn trong tình trạng chiến tranh.

Vào tháng 9/2021, Tổng thống Moon phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc rằng một tuyên bố kết thúc chiến tranh chính thức “sẽ đánh dấu điểm khởi đầu quan trọng trong việc tạo ra nền trật tự hòa bình mới và mối quan hệ hợp tác trên bán đảo Triều Tiên”.

Nỗ lực nói trên của Tổng thống Moon được cho là để tạo đột phá ngoại giao với Triều Tiên sau bảy thập kỷ xung đột. Nếu thành công, di sản chính trị này sẽ khắc họa ông Moon với hình tượng là một nhà thương thuyết và kiến tạo hòa bình, theo Financial Times.

“Toàn thể người dân Hàn Quốc từ lâu đều khao khát hòa bình, thịnh vượng và thống nhất”, Tổng thống Moon phát biểu vào ngày 3/1. “Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để thể chế hóa nền hòa bình bền vững, tôi sẽ không ngừng cố gắng cho đến khi nhiệm kỳ của mình kết thúc”.

chien tranh ban dao Trieu Tien anh 1

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cam kết nỗ lực thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: CGTN.

Go Myong Hyun, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, nhận định: “Đối với ông Moon, nỗ lực này không đơn thuần là chiến lược ngoại giao mà còn là một vấn đề về bản sắc dân tộc. Ông ấy muốn tuyên bố bán đảo Triều Tiên không còn chiến tranh và hướng tới sự thống nhất”.

Tổng thống Moon hiện không đề xuất một hiệp ước hòa bình mang tính ràng buộc về mặt pháp lý. Thay vào đó, ông thúc đẩy một tuyên bố kết thúc chiến tranh mang tính biểu tượng, vốn được cho là sẽ khởi động các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng.

“Đề xuất (của ông Moon) thể hiện nỗ lực chấm dứt sự bế tắc, tăng cường niềm tin giữa các bên và hướng tới bước đột phá trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, ông Moon Chung In, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Sejong, nhận xét.

chien tranh ban dao Trieu Tien anh 2

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (trái) gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào năm 2018. Ảnh: Reuters.

Thái độ của Washington

Các quan chức cao cấp của Hàn Quốc đã đưa ra một loạt tuyên bố lạc quan trong những tuần gần đây. Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui Yong cho biết Seoul và Washington đã đạt được sự đồng thuận về nội dung dự thảo tuyên bố kết thúc chiến tranh.

Trong một chuyến thăm Australia vào tháng 12/2021, Tổng thống Moon nói rằng các bên liên quan đến chiến tranh Triều Tiên đã đồng ý với đề xuất của ông “về mặt nguyên tắc”.

Tuy nhiên, một số nhà hoạch định chính sách của Washington lo ngại rằng tuyên bố kết thúc chiến tranh mà ông Moon thúc đẩy có thể khiến Mỹ không thể kéo dài sự hiện diện quân sự hợp pháp trên bán đảo Triều Tiên nữa. Hiện ít nhất 28.500 lính Mỹ đang đóng quân tại đây, theo Financial Times.

chien tranh ban dao Trieu Tien anh 3

Mỹ đã duy trì hiện diện quân sự trên bán đảo Triều Tiên trong nhiều thập kỷ. Ảnh: Wall Street Journal.

“Một số luồng ý kiến ở Washington lo ngại rằng tuyên bố kết thúc chiến tranh có thể là cái cớ để Triều Tiên và Trung Quốc đặt câu hỏi về sự hiện diện quân sự của Mỹ, không chỉ trên bán đảo Triều Tiên mà còn trong khu vực”, nhà phân tích Soo Kim thuộc tập đoàn RAND nhận định.

Khi được hỏi về đề xuất kết thúc chiến tranh của Tổng thống Moon, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng Mỹ và Hàn Quốc “có thể có quan điểm hơi khác nhau về trình tự, thời gian và điều kiện cho những giai đoạn riêng biệt”.

Giới phân tích cho rằng ngay cả khi Seoul và Washington có thể khỏa lấp được sự khác biệt, nhiều khả năng Triều Tiên sẽ không sẵn sàng tham gia vào quá trình đưa ra tuyên bố kết thúc chiến tranh.

Lập trường của Bình Nhưỡng cho rằng quá trình nói trên phụ thuộc vào việc Washington có từ bỏ “chính sách thù địch” đối với Triều Tiên hay không, theo Financial Times.

“(Mỹ) cần ngưng áp đặt tiêu chuẩn kép, định kiến phi lý, thói quen xấu và lập trường thù địch để biện minh cho hành vi của họ, trong khi đổ lỗi cho hành động tự vệ chính đáng của chúng tôi”, bà Kim Yo Jong, Ủy viên Quốc vụ Triều Tiên, phát biểu vào tháng 9/2021. Đây cũng là lần cuối cùng một quan chức cấp cao Triều Tiên bình luận về đề xuất kết thúc chiến tranh.

Chuyên gia Moon Chung In thuộc Viện Sejong cho rằng việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên vốn đã “chậm trễ suốt hàng thập kỷ”. Ông nói thêm: “Mỹ không muốn ‘chiến tranh mãi mãi’ và chúng tôi cũng vậy”.

Trốn sang Hàn Quốc nhưng không thể hòa nhập, người Triều Tiên quay về

Quan chức Hàn Quốc hôm 4/1 cho biết người Triều Tiên từng đào tẩu vào miền Nam trốn trở lại quê hương vào tuần trước bởi anh phải vật lộn để thích ứng cuộc sống mới tại đây.

Người vượt DMZ có thể là người Triều Tiên đào tẩu muốn về lại miền Bắc

Hàn Quốc hôm 3/1 cho biết người băng qua khu phi quân sự chia tách 2 miền bán đảo Triều Tiên tuần trước có khả năng là người Triều Tiên từng trốn sang lãnh thổ nước này trước đó.

Đại Hoàng

Bạn có thể quan tâm