Quyết định được công bố ngày 22/8 sau một cuộc tranh luận kéo dài nhiều giờ trong Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC).
Thỏa thuận bảo mật thông tin quân sự chung (GSOMIA) dự kiến được gia hạn vào ngày 24/8, trừ khi một trong hai bên quyết định hủy bỏ.
Kim You Geun, phó giám đốc của Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết Nhật Bản đã tạo ra "thay đổi nghiêm trọng" trong môi trường hợp tác an ninh song phương khi loại Hàn Quốc khỏi danh sách ưu tiên xuất khẩu với lý do lo ngại về an ninh mà không cung cấp bằng chứng rõ ràng.
Các sĩ quan cảnh sát Hàn Quốc đứng cạnh một biểu ngữ trong cuộc biểu tình ở Seoul yêu cầu chính phủ Hàn Quốc bãi bỏ Thỏa thuận bảo mật thông tin quân sự, hay GSOMIA. Ảnh: AP. |
"Trong tình huống này, chúng tôi xác định rằng duy trì thỏa thuận đã ký với mục đích trao đổi thông tin quân sự nhạy cảm về an ninh sẽ không phục vụ lợi ích quốc gia của chúng tôi", ông Kim nói trong cuộc họp báo.
Ông cho biết Hàn Quốc sẽ gửi thông báo chính thức tới Nhật Bản trong ngày đáo hạn.
Các nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết quyết định của Hàn Quốc là "cực kỳ đáng tiếc" và Tokyo sẽ phản đối.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói trước thông báo rằng thỏa thuận đã thúc đẩy hợp tác an ninh giữa hai nước.
"Mặc dù mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang ở trong một tình huống rất khó khăn, chúng tôi tin rằng chúng tôi nên hợp tác với Hàn Quốc ở những điểm cần hợp tác", ông Suga nói trong một cuộc họp báo thường kỳ trước đó vào ngày 22/8.
Theo Reuters, quyết định này có thể sẽ khiến Mỹ lo ngại về hợp tác an ninh bị suy yếu. Hiệp định này rất quan trọng đối với những nỗ lực chống lại các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên, Stephen Biegun, đã nêu vấn đề này trong cuộc gặp với phó cố vấn an ninh quốc gia của Hàn Quốc Kim Hyun Chong trước cuộc họp của NSC.
Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc khởi xướng GSOMIA, được xác nhận năm 2016 sau khi kế hoạch năm 2012 sụp đổ trước sự phản đối trong nước của Hàn Quốc đối với sự hợp tác quân sự với kẻ thù cũ là Nhật Bản.