Korea Herald đưa tin luật sửa đổi về tiêu chuẩn lao động, thường được gọi là luật chống bắt nạt nơi làm việc, đã có hiệu lực sau thời gian ân hạn sáu tháng.
Theo luật mới, quấy rối nơi làm việc được định nghĩa là hành vi gây ra đau khổ về thể chất hoặc tinh thần hoặc làm xấu đi môi trường làm việc của người sử dụng lao động hoặc người lao động, sử dụng địa vị hoặc quyền lực của họ để hành xử vượt quá phạm vi của các quy tắc làm việc.
Luật quy định trong trường hợp việc quấy rối tại nơi làm việc được báo cáo, người sử dụng lao động nên điều tra ngay lập tức và có hành động đúng đắn, chẳng hạn như ngăn nạn nhân làm việc với thủ phạm ở cùng một nơi.
Một luật mới nhằm ngăn chặn sự quấy rối tại nơi làm việc đã có hiệu lực tại Hàn Quốc vào ngày 16/7. Ảnh: Yonhap. |
Nếu các biện pháp trả thù hoặc phân biệt đối xử được thực hiện đối với nạn nhân hoặc những người báo cáo hành vi lạm dụng, chủ lao động có thể phải đối mặt với án tù tối đa ba năm và phạt tiền lên tới 30 triệu won (25.423 USD). Nhưng luật không quy định hình phạt cho thủ phạm.
Một luật riêng, cũng có hiệu lực vào ngày 16/7, nói rằng căng thẳng do bắt nạt tại nơi làm việc cũng là đối tượng của các quy tắc về tai nạn công nghiệp và bồi thường.
Theo Yonhap, luật chống bắt nạt được kỳ vọng sẽ giúp loại bỏ "gapjil" nơi làm việc, một từ mới được đặt ra đề cập đến hành vi lạm dụng của những người ở vị trí quyền lực đối với những người dưới ảnh hưởng của họ.
Các chuyên gia cho biết có thể mất thời gian để luật đi vào thực tiễn vì có một sự mơ hồ trong việc phán xét những trường hợp nào thuộc nhóm bắt nạt nơi làm việc.
Hồi tháng 2, chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra hướng dẫn với các ví dụ về quấy rối nơi làm việc để giảm bớt sự bối rối cho các công ty.
Hầu hết tập đoàn đã giáo dục cho nhân viên của họ hoặc sửa đổi các quy tắc về làm việc hoặc kỷ luật để chuẩn bị cho việc thực thi luật.
Tuy nhiên, khoảng 20% các công ty nhỏ hơn cho biết họ vẫn chưa thiết lập kế hoạch chi tiết để giải quyết các hành vi lạm dụng tại nơi làm việc, theo một cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc.