Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hạn mức giao dịch 100 triệu/tháng với ví điện tử có cần thiết?

Nhiều chuyên gia đồng tình với việc duy trì hạn mức giao dịch tối đa 100 triệu/tháng đối với một ví điện tử. Nếu nhu cầu của khách tăng lên, các doanh nghiệp có thể đề xuất thêm.

Từ ngày 1/1, Thông tư 23/2019 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán chính thức có hiệu lực. Một trong những điểm mới của thông tư này so với dự thảo trước đó là bãi bỏ hạn mức giao dịch theo ngày của khách hàng cá nhân qua ví điện tử tối đa 20 triệu đồng/ngày.

Tuy nhiên, tổng hạn mức giao dịch qua ví điện tử của mỗi khách hàng cá nhân tại một tổ chức cung ứng ví điện tử theo tháng vẫn được giữ nguyên ở mức không quá 100 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập kiêm Phó chủ tịch Ví điện tử Momo, thông tư mới với việc bãi bỏ hạn mức giao dịch theo ngày 20 triệu đồng với ví điện tử là hợp lý. Ông Diệp cho rằng NHNN đã thể hiện sự cởi mở, tiếp nhận góp ý của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng như công luận.

Còn về hạn mức 100 triệu/tháng, vị này cho rằng trong thời gian đầu có thể duy trì. Tuy nhiên, trong trong thực tế hoạt động, 1-2 năm nữa nhu cầu khách hàng tăng lớn hơn, các ví điện tử có thể tiếp tục kiến nghị tăng thêm.

Đánh giá về hạn mức giao dịch 100 triệu/tháng với khách hàng sử dụng ví điện tử, chuyên gia tài chính, TS Bùi Quang Tín cho rằng con số này có thể thấp so với giao dịch lớn nhưng cũng cao so với người tiêu dùng bình thường.

Ông đánh giá nếu suy nghĩ thấp hay cao là suy nghĩ định tính. Còn cơ quan quản lý Nhà nước đã có sự định lượng, thẩm định từ các số liệu mức thu nhập, giao dịch bình quân để con số đưa ra không không quá thấp và quá cao.

"Cơ quan quản lý đưa ra con số đáp ứng được số đông, chứ không chỉ cho một nhóm đối tượng", ông Tín nói.

han muc vi dien tu anh 1

Không bị giới hạn theo ngày nhưng người tiêu dùng chỉ được giao dịch không quá 100 triệu/tháng trên một ví điện tử. Ảnh: Lê Trọng.

Theo TS Tín, ví điện tử nói riêng và các công nghệ tài chính (fintech) nói chung đều cần có lộ trình quản lý phù hợp, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Nếu cơ quan quản lý mở cửa nhưng không có sự kiểm soát phù hợp có thể dẫn tới tác dụng ngược và các rủi ro.

Ông Tín cho rằng không riêng NHNN, các bộ, ngành liên quan đều đang có cách tiếp cận lĩnh vực fintech theo hướng thông thoáng hơn.

Đồng quan điểm, PGS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM, đánh giá các cơ quan điều hành kinh tế vĩ mô đang có thái độ tích cực đối với fintech nói riêng và các ứng dụng số nói chung.

Ông đánh giá bỏ hạn mức giao dịch một ngày giúp các nhu cầu khách hàng được thỏa mãn linh hoạt hơn. Còn hạn mức một tháng vẫn giữ là chốt chặn.

"Đây là kỹ thuật như chân ga, chân thắng. NHNN là người lái tàu, tùy theo đoạn đường phía trước thông thoáng hay gập ghềnh sẽ điều chỉnh tốc độ", PGS Bảo nhận định.

Ông Bảo đánh giá cao cách tiếp cận này và cho rằng cơ quan quản lý đang giữ thái độ thận trọng cần thiết nhưng không quá khắt khe để khiến sự phát triển của dịch vụ số bị ngăn cản. Vị này cũng cho biết lĩnh vực fintech và công nghệ nói chung ở Việt Nam đang gặp thuận lợi khi Chính phủ "có gì đó ưu ái kinh tế số hơn các lĩnh vực khác".

Ông dự đoán trong trung và dài hạn, cách tiếp cận của cơ quan quản lý với các lĩnh vực số sẽ tiếp tục cởi mở, thông thoáng hơn. Và đây cũng là con đường tất yếu khi tăng trưởng kinh tế sẽ dựa trên sáng tạo chứ không thể chỉ dựa trên các giá trị truyền thống.

Các chính sách ngân hàng có hiệu lực từ 1/1/2020

Công ty tài chính cần số vốn tối thiểu 500 tỷ đồng và chỉ được giải ngân cho khách không có nợ xấu... là hai trong số các quy định có hiệu lực từ năm mới 2020.

Việt Đức

Bạn có thể quan tâm