Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Hạn hán nghiêm trọng, nông dân và nhà máy Đài Loan tranh nguồn nước

Sản xuất chip là một ngành công nghiệp "khát" nước. Trong cảnh hạn hán kéo dài, nông dân trồng lúa ở hòn đảo phải tranh nhau nguồn nước hiếm hoi với ngành công nghiệp trọng điểm.

thieu nuoc nong dan Dai Loan dieu dung anh 1

Theo New York Times, cạnh ruộng lúa khiêm tốn của ông Chuang Cheng-deng - một nông dân Đài Loan 55 tuổi - là "đại bản doanh" của ngành công nghiệp chip máy tính Đài Loan. Các nhà máy của Công ty Sản xuất Bán dẫn Đài Loan (TSMC) là nơi sản xuất hàng trăm nghìn con chip cho iPhone và các thiết bị khác trên toàn thế giới.

Hạn hán nghiêm trọng năm nay khiến ruộng lúa của ông Chuang khô cằn, nứt nẻ. Tình cảnh càng khó khăn hơn khi mảnh đất nông nghiệp của ông nằm cạnh một khu công nghiệp sản xuất chip khổng lồ.

Bởi hạn hán kéo dài và thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng, chính phủ Đài Loan đã chủ trương ngừng hoạt động tưới tiêu trên hàng chục nghìn mẫu đất nông nghiệp để ưu tiên nguồn nước cho ngành sản xuất chip và vi mạch điện tử.

Nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng

Dù được chính phủ bồi thường một khoản thu nhập bị mất bởi thiếu nước sản xuất, ông Chuang vẫn lo lắng. Vì mất mùa đồng nghĩa với mất khách, làm giảm thu nhập trong nhiều năm tiếp theo. "Chính phủ đang dùng tiền để bịt miệng nông dân" ông bức xúc nói khi đứng trên mảnh đất của mình.

Hạn hán năm nay ở Đài Loan được đánh giá là tồi tệ nhất trong hơn nửa thế kỷ qua. Nghiêm trọng hơn, nó đang đặt ra những thách thức liên quan đến việc duy trì ngành công nghiệp bán dẫn - vốn là ngành kinh tế huyết mạch của hòn đảo.

Phần lớn lượng nước dùng trong sinh hoạt của người dân đến từ các cơn bão nhiệt đới mùa hè. Tuy nhiên, nhiều cơn bão lớn làm trôi đất từ địa hình đồi núi xuống các hồ chứa khiến khả năng chứa nước trong hồ giảm dần.

Lượng mưa cũng thay đổi qua từng năm. Trong năm ngoái, Đài Loan không đón một cơn bão nào, hiện tượng lần đầu tiên xảy ra kể từ năm 1964.

thieu nuoc nong dan Dai Loan dieu dung anh 2

Ông Tian Shou-shi trên mảnh đất khô cằn, không trồng trọt gì vì thiếu nước tưới tiêu. Ảnh: NYT.

Lần cuối cùng Đài Loan ngừng hoạt động tưới tiêu trên quy mô lớn để tiết kiệm nước là vào năm 2015. Trước đó, hòn đảo cũng một lần dừng tưới tiêu vào năm 2004.

Ông You Jiing-yun, giáo sư kỹ thuật dân dụng tại Đại học Quốc gia Đài Loan, cho biết: “Nếu tình trạng này xảy ra trong hai hoặc ba năm nữa, Đài Loan có khả năng bước vào giai đoạn thiếu nước nghiêm trọng".

Sản phẩm chip sản xuất từ Đài Loan là bộ phận không thể thiếu trong chuỗi cung ứng linh kiện cho các ngành điện thoại thông minh, ôtô và các nền tảng quan trọng khác trên toàn cầu.

Ngành công nghiệp "khát" nước

Không thể phủ nhận sự phụ thuộc của ngành công nghệ toàn cầu vào Đài Loan nói chung và TSMC nói riêng. Hơn 90% sản lượng chip tiên tiến trên thế giới được sản xuất tại Đài Loan. TSMC là đơn vị cung cấp cho nhiều nhà sản xuất điện tử như Apple, Intel và các tên tuổi lớn khác.

Ngành công nghiệp sản xuất chip và chất bán dẫn sử dụng rất nhiều nước để vệ sinh nhà máy và làm sạch các tấm wafer. Nguồn cung chip và chất bán dẫn ngày một thiếu hụt do nhu cầu điện tử tăng cao. Và điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở "công xưởng chip thế giới" càng khiến ngành chip toàn cầu rơi vào khủng hoảng nguồn cung nghiêm trọng.

Năm 2019, các cơ sở của TSMC ở Tân Trúc tiêu thụ 63.000 tấn nước mỗi ngày, tức hơn 10% nguồn cung từ hai hồ chứa địa phương Baoshan và Baoshan Second Reservoir.

Công ty cho biết đã tái chế 86% lượng nước từ các quy trình sản xuất và tiết kiệm được hơn 3,6 triệu tấn nước, nhưng con số này còn khá nhỏ so với 63 triệu tấn nước đã tiêu thụ trong năm.

thieu nuoc nong dan Dai Loan dieu dung anh 3

Hồ chứa Tsengwen gần Đài Nam khô cạn. Ảnh: NYT.

Phía tây nam Đài Loan vừa là trung tâm nông nghiệp vừa là vùng công nghiệp trọng điểm đang phát triển. Các cơ sở sản xuất chip tiên tiến nhất của TSMC đều nằm ở phía nam thành phố Đài Nam. Tuy nhiên, hạn hán bát ngờ đã khiến vài khúc của hồ chứa Tsengwen gần khu vực này thu hẹp lại thành dòng chảy cạn.

Đài Loan là một trong những khu vực có lượng mưa dồi dào nhất thế giới, do đó thiếu nước trở thành một nghịch lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

Dù cho đến nay, TSMC khẳng định tình trạng hạn hán chưa gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, lượng mưa ít ỏi ở Đài Loan khiến hòn đảo phải chật vật giữ nguồn nước đủ để cung cấp cho hoạt động sinh hoạt và sản xuất.

Các nỗ lực giải cứu

Những tháng gần đây, chính phủ Đài Loan dùng hóa chất tạo mây trên các hồ chứa. Đài Loan cũng xây dựng thêm một nhà máy khử muối nước biển ở Tân Trúc - nơi đặt trụ sở chính của TSMC - và một đường ống nối với khu vực miền bắc có mưa nhiều hơn.

Chính phủ cũng yêu cầu các ngành công nghiệp cắt giảm lượng nước sử dụng. Ở một số nơi, chính quyền bắt đầu ngắt nguồn nước trong hai ngày mỗi tuần. Nhiều công ty phải phải vận chuyển nước bằng xe tải từ khu vực khác đến để sử dụng.

Ông Wang Hsiao-wen, giáo sư kỹ thuật thủy lực tại Đại học Quốc gia Cheng Kung, khẳng định vấn đề lớn nhất đằng sau khủng hoảng thiếu nước của Đài Loan là do chính phủ giữ thuế nước quá thấp. Điều này khiến người dùng lãng phí.

Ông Lee Hong-yuan, cựu Bộ trưởng Nội vụ Đài Loan, cũng cho biết bộ máy quản lý cồng kềnh gây khó khăn trong kế hoạch xây dựng các nhà máy tái chế nước thải và hiện đại hóa mạng lưới đường ống.

Đài Loan có nguy cơ bước vào giai đoạn thiếu nước nghiêm trọng nếu tình trạng thiếu mưa xảy ra trong hai hoặc ba năm nữa

You Jiing-yun, giáo sư kỹ thuật dân dụng Đại học Quốc gia Đài Loan

Số liệu chính phủ cho thấy các hộ gia đình ở Đài Loan sử dụng khoảng 75 gallon (283 l) nước/người/ngày. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu dùng ít nước hơn nhiều.

"Điều chỉnh giá nước sẽ có tác động mạnh đối với những nhóm người dùng nhạy cảm với giá, vì vậy cần thật sự cẩn trọng khi xét tới phương án này", ông Wang khuyến cáo.

Tháng trước, lãnh đạo Đài Loan cho biết chính phủ sẽ xem xét áp thêm phí đối với 1.800 nhà máy sản xuất sử dụng nhiều nước. Tuy nhiên, biện pháp tiết kiệm nước được áp dụng sâu rộng nhất cho đến nay là ngừng tưới tiêu.

Phương án này gây ảnh hưởng đến 183.000 mẫu (74.000 hecta) đất nông nghiệp, chiếm khoảng 20% diện tích đất được tưới tiêu ở Đài Loan. Không còn nước sạch, nông dân chịu cảnh ruộng đất khô cằn, khó khăn sản xuất.

Nông dân điêu đứng

"TSMC và những công ty sản xuất chip không bị ảnh hưởng gì cả. Nông dân như chúng tôi thì chỉ muốn kiếm sống mà thôi", ông Tian Shou-shi, 63 tuổi, một nông dân trồng lúa ở Tân Trúc, than thở.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Wang Yi-Feng, Phó Giám đốc Cơ quan Tài nguyên nước Đài Loan, nói đợt khô hạn kéo dài sẽ khiến mùa màng giảm sản lượng, ngay cả khi có đủ nước tưới.

Ông cho biết chuyển hướng nguồn nước khan hiếm đến các nông trại thay vì những nhà máy sản xuất và nhà ở sẽ "không có lợi cho cả đôi bên". Bà Kuo Yu-ling, khách hàng mua gạo của ông Chuang, không muốn chỉ trích ngành chip ở Tân Trúc.

"Nếu khu công nghiệp Tân Trúc không phát triển như hiện tại, chúng tôi cũng không có ngày hôm nay. Tuy nhiên, việc kết luận các nông dân Tân Trúc cướp mất nguồn nước của ngành chip chỉ vì ngành nông nghiệp đóng góp ít vào nền kinh tế là không thỏa đáng", bà nói.

thieu nuoc nong dan Dai Loan dieu dung anh 4

Thiếu nước khiến khu vực xung quanh hồ chứa Baoshan ở Tân Trúc thu hẹp thành dòng chảy cạn. Ảnh: NYT.

"Tại sao chúng ta không thể tính toán lượng nước thích hợp cho cả hai ngành mà không xem nhẹ ngành nông nghiệp?", bà nói.

Trên thực tế, ngành công nghiệp sản xuất chip đang trở nên quan trọng hơn so với nghề trồng trọt ở Đài Loan. Do đó, nhiều nông dân đắn đo suy tính tương lai của mình. Họ dường như cần một công việc mới để kiếm tiền.

"Phân bón ngày càng đắt. Làm nông dân thời này là khổ nhất", ông Hsieh Tsai-shan, một nông dân 74 tuổi nói. "Nếu Đài Loan không còn ngành công nghiệp nào nữa mà phải phụ thuộc vào nông nghiệp, chúng tôi có thể chết đói", ông Yang, nông phu người có 2 con đang làm việc tại các công ty công nghiệp, nói.

Bùi Ngọc

Bạn có thể quan tâm