Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hạn hán hoành hành, trâu bò ăn bao nylon

Theo Phòng NN&PTNT huyện Ea Súp (Đắk Lắk) thời tiết nắng nóng kéo dài, thức ăn cạn kiệt khiến gia súc, gia cầm đói khát, ăn nhiều thứ không tiêu hóa được dẫn đến chết mòn.

Từ đầu mùa khô 2016 đến nay, số vật nuôi chết ở xã Ia Rvê và Ia Lốp tăng lên 239 con, theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp Ea Súp, trong đó có 143 con bò, 3 trâu, 2 dê và 91 gia cầm. 

Bán bò không ai mua

Thời tiết nắng nóng kéo dài còn gây thiệt hại 402 ha cây trồng (chủ yếu là mía và mì). Nguồn nước tại các ao, hồ, giếng đều cạn kiệt khiến người dân lâm vào cảnh khó khăn.

Ông Phạm Bảo (57 tuổi, ngụ thôn 13, xã Ia Rvê) cho biết, gia đình ông có 150 con bò nhưng vừa qua 32 con đã chết vì thiếu nước và thức ăn.

bo chet vi han han anh 1
Đàn bò tại huyện Ea Súp phải tìm thức ăn trên cánh đồng khô cằn. Ảnh: M. Q

“Lần đầu, gia đình tôi xẻ thịt đem ra đầu làng bán với hy vọng thu về chút vốn. Tuy nhiên, không ai mua vì hầu như gia đình nào cũng có bò chết. Những lần sau, tôi phải gọi thương lái đến bán với giá khoảng 1,5 triệu”, ông Bảo nói.

Theo nông dân 57 tuổi, nhiều tháng nay không có nước khiến đồng khô cháy. Để có thức ăn cho bò gia đình phải mua mỗi xe rơm gần 2 triệu đồng.

"Hạn hán kéo dài, đàn bò ngày càng ốm, tôi nhiều lần kêu thương lái tới bán bớt để giảm thiệt hại. Tuy nhiên, người bán thì nhiều, người mua ít nên giá bò giảm đến chóng mặt. Từ đầu mùa khô đến nay gia đình tôi mất hơn 300 triệu đồng vì bò chết", ông Bảo thông tin. 

bo chet vi han han anh 2
Mỗi xe rơm ngày thường có giá 500.000 đồng nhưng vào mùa khô tăng gấp 4 lần. Ảnh: M. Q

Tương tự, tại thôn 13, gia đình ông Hoàng Văn Định (54 tuổi) đã có 5 con bò bị chết do hạn hán. Dù lo được thức ăn cho đàn gia súc nhưng về nguồn nước thì ông chỉ biết trông chờ vào thời tiết.

Hiện các hồ vẫn cạn, nước giếng không đủ cho người dùng. "Do thiếu nước, thức ăn nên đàn bò gầy nhom, ốm yếu, bò mẹ không có sữa cho con bú", ông Định chia sẻ.

Ông Cao Minh Lự - Chủ tịch xã Ia Rvê cho biết, do kinh phí xã hạn hẹp, chưa hỗ trợ được cho người dân bị thiệt hại. UBND xã đã báo cáo lên cấp trên để xin kinh phí nhằm giúp nông dân khắc phục thiệt hại.

Bò chết vì ăn bao nylon 

Ông Trần Quang Trịnh - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Ea Súp, cho biết khi nhận được thông tin gia súc chết hàng loạt huyện đã cử tổ công tác vào xã Ia Rvê và Ia Rốc khảo sát.

Tổ mổ gia súc để kiểm tra thì phát hiện dạ dày của chúng đều chứa bao tải, lốp xe, vải, củ mì.

bo chet vi han han anh 3
Thiếu thức ăn nhiều con bò phải ăn rác, bao nylon dẫn đến chết mòn. Ảnh: M. Q

Theo ông Trịnh thời tiết nắng nóng kéo dài, thức ăn cạn kiệt khiến gia súc, gia cầm đói khát, suy dinh dưỡng và ăn nhiều thứ không tiêu hóa được nên dẫn đến chết mòn.

UBND huyện đã khuyến cáo bà con, nên mua thêm thức ăn như rơm rạ, bột… để bổ sung cho gia súc, gia cầm. Ngoài ra, phải có biện pháp chăm sóc, bảo vệ những con vật có sức khỏe yếu để giảm thiểu tối đa thiệt hại.

"Huyện đã xin kinh phí tỉnh, dự tính sẽ khoan 20 giếng tại các xã Ia Lốp, Ia Rvê, Ia Jlơi để giúp bà con có nước sinh hoạt trong mùa hạn”, ông Trịnh thông tin.

Khoan giếng sâu 60 m vẫn không có nước

Ông Lương Văn Lượng (48 tuổi, ngụ huyện Ea Súp) cho biết đang nhận khoan 3 giếng trên địa bàn xã Ia Rvê với mức giá 40 triệu/cái. Sau 5 ngày, cả nhóm khoan sâu hơn 60 m nhưng gặp nhiều đá nên phải dừng lại và chuyển địa điểm khác.

Theo ông Lượng, khu vực huyện Ea Súp khá cao so với nguồn nước ngầm nên việc khoan giếng gặp nhiều khó khăn.

“Giếng đầu tiên tôi đã bỏ ra hơn 10 triệu nhưng không thành công. Tôi làm thợ chục năm nay, đi khoan nhiều chỗ nhưng chưa nơi nào tìm nước khó như ở đây”, ông Lượng nói.

Tây Nguyên khô héo trước mùa mưa

UBND tỉnh Đắk Nông vừa công bố tình trạng thiên tai do hạn hán, rủi ro cấp độ 1. Như vậy, 4/5 tỉnh Tây Nguyên lâm vào cảnh khô hạn khốc liệt.


Tây Nguyên

Bạn có thể quan tâm