Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tây Nguyên khô héo trước mùa mưa

UBND tỉnh Đắk Nông vừa công bố tình trạng thiên tai do hạn hán, rủi ro cấp độ 1. Như vậy, 4/5 tỉnh Tây Nguyên lâm vào cảnh khô hạn khốc liệt.

Ngồi canh đàn bò hơn 5 con của gia đình giữa cánh đồng nứt nẻ, bà Nguyễn Thị Tú (ngụ Ia Hrú, huyện Chư Pưh, Gia Lai) cho biết, hơn một tháng nay bà phải đi hơn 20 km để mua thức ăn cho đàn gia súc.

Theo bà Tú, rơm rạ hiện không còn. Mỗi tuần, gia đình phải mua một xe rơm giá gần 2,5 triệu đồng cho 6 con bò. Năm trước, chừng đó chỉ 1,5 triệu.

"Giờ giá cao quá không biết chịu được đến lúc nào, mà không mua thì bò lấy gì ăn. Gia đình muốn bán bớt bò bán cũng không được giá chỉ còn một nửa so với trước”, bà than.

Mua lúa cho bò

May mắn hơn, gia đình chị Nguyên (Ia Khươl, huyện Chư Păh) mua được 3 sào lúa non (do thiếu nước nên người dân bỏ).

han han o Tay Nguyen anh 1
Người dân phải mua lúa cho bò ăn. Ảnh: M.Q.

Trước đây, chị Nguyên có hơn 10 con bò nhưng do hạn hán thiếu nước và thiếu thức ăn nên đã bán bớt. Hiện, chị còn lại hai con nhưng việc tìm thức ăn cho chúng rất khó khăn. Thấy 3 sào lúa non của người dân bỏ, chị cùng 4 người khác góp hơn 1,5 triệu đồng mua lại cho gần 10 con bò ăn.

"Số lượng lúa có hạn, không biết hết chúng tôi phải đi đâu mua thức ăn cho chúng vì hiện cỏ ở tất cả các cánh đồng trên địa bàn huyện đã khô cháy", chị Nguyên nói.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, địa phương có hơn 450.000 con bò, đứng thứ hai cả nước về tổng đàn gia súc. Với nhiều gia đình, đây là nguồn thu nhập chính, đồng thời là nơi cung cấp phân bón cho hàng trăm ngàn ha cây trồng.

Do El Nino hoành hành, hạn hán ở Tây Nguyên kéo dài khiến cho đàn gia súc của tỉnh thiếu thức ăn và ngước uống trầm trọng. Để có thức ăn cho vật nuôi, người dân phải đi hàng chục cây số và mua với giá cả cao.

Đỏ mắt tìm nước

Theo Phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn (Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk) tại các huyện Krông Pắk, thị xã Buôn Hồ, Krông Năng, Cư M’gar… cứ trên mỗi km2 (đất nông nghiệp xen lẫn khu dân cư) có tới 120 - 180 giếng đào, khoan lớn nhỏ để lấy nước ngầm phục vụ sản xuất và sinh hoạt với tần suất hơn 200 triệu lít/ngày đêm. Tuy nhiên, hầu hết các giếng hiện đã trơ đáy.

Sau một mùa khô thì số giếng khoan, đào tăng hơn năm trước. Độ sâu của các giếng cũng không ngừng gia tăng.

han han o Tay Nguyen anh 2
Nhiều cánh đồng nứt nẻ do hạn hán. Ảnh: M.Q.

Ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ huyện Cư M’gar Đắk Lắk) cho biết, 7 sào cà phê của gia đình đang chết cháy vì thiếu nước. Các năm trước giếng đào 20 m ngoài tưới cà phê của gia đình còn cho các hộ xung quanh thuê.

“Tuy nhiên, năm nay hạn hán kéo dài giếng của gia đình không còn giọt nước. Để có nước tưới tôi phải thuê người đào thêm 5 m rồi khoan ngang 3 mũi với chiều dài hơn 50 m, chi phí hơn 15 triệu đồng nhưng vẫn không được”, ông Tuấn chia sẻ.

Tương tự, ông Bàn Tôn Nhất (huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) thông tin, trước đây nguồn nước vùng này rất dồi dào. Các gia đình chỉ cần đào giếng khoảng 10 m là có nước dùng thoải mái.

Vài năm trở lại đây, hạn hán ngày một nặng, người dân đổ xô khoan giếng khiến mực nước ngầm sụt giảm nghiêm trọng. Do đó, người dân khoan giếng sâu đến cả trăm mét cũng chưa chắc tìm thấy nước.

“Thấy vườn cà phê héo lá chết dần, tôi chạy vạy vay tiền người thân liên tục thuê thợ về khoan giếng ngay trong rẫy để tìm nước tưới. Từ Tết đến nay, thợ đã khoan đến giếng thứ 5 mà vẫn không có nước. Gia đình đành để cây chết khô chứ tiền bỏ ra đã hàng chục triệu đồng, giờ không kham nổi nữa”, ông Nhất than vãn.

han han o Tay Nguyen anh 3
Người dân vét giếng tìm nước tưới cho cây và sinh hoạt. Ảnh: M.Q.

Ông Trần Trung Thành - Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên cho biết, hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên đang diễn ra gay gắt.

Cuối tháng 3, một số nơi thuộc tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông có mưa rào, nhưng lượng ko đáng kể. Sắp tới hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên sẽ càng khốc liệt hơn.  

“Gia Lai là địa phương chịu nặng nhất. Sắp tới Đài sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Gia Lai nâng cảnh báo hạn hán lên mức độ 2”, ông Thành thông tin.

Theo vị phó giám đốc, dự báo đến giữa tháng 5 khu vực Tây Nguyên mới bắt đầu vào mùa mưa. Hiện mực nước trên các sông, suối ở ở Tây Nguyên đạt thấp hơn trung bình nhiều năm.

Theo báo cáo của các địa phương, Tây Nguyên có gần 28.300 hộ thiếu nước sinh hoạt, trong đó Đắk Lắk có 13.200 hộ, Gia Lai hơn 7.000 hộ, Lâm Đồng hơn 1.000 hộ. Dự báo thời gian tới, sẽ có gần 60.000 hộ khu vực lâm vào tình cảnh này.

Tại tỉnh Kon Tum khô hạn, thiếu nước gây thiệt hại trên diện tích gần 3.000 ha. Trong đó, diện tích cây trồng bị mất trắng gần 900 ha; tổng giá trị thiệt hại do hạn hán gây nên đối với sản xuất nông nghiệp khoảng trên 90 tỷ đồng. Có 8.274 giếng nước bị cạn, cuộc sống của 10.389 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt…

Theo ông Mai Trọng Dũng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk, địa phương đang thống kê và lập tờ trình xin Trung ương hỗ trợ trên 1.000 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại do hạn hán. Tuy nhiên, trước mắt thì bà con nông dân và chính quyền cơ sở huyện, xã phải chủ động ứng cứu, hạn chế thiệt hại.

Người dân Đắk Lắk vào suối mót nước

Ngoài việc lo cây trồng chết khô, gia đình ông Y Blơ còn đối mặt với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Các thành viên trong gia đình phải đi hơn 7 km để mót nước ở các con suối.




Tây Nguyên

Bạn có thể quan tâm