Theo báo cáo của các tỉnh khu vực Tây Nguyên, hiện nhiều nơi đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới cho vụ mùa Đông - Xuân (2015-2016).
Giảm diện tích trồng lúa vì thiếu nước
Bà Phan Thị Thu Hiền - Chánh văn phòng Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, cho biết khoảng 35% trong số 599 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn không đạt mực nước dâng bình thường. Trong đó, có 20% hồ chỉ đạt dưới 50% dung tích thiết kế.
Người dân tại Đắk Lắk đào giếng sâu hơn 60 m để lấy nước tưới cho cà phê. Ảnh: M. Q |
Bà Hiền thông tin thêm, địa phương có 244.971 ha cây trồng và 245 ha nuôi trồng thuỷ sản. Tuy nhiên, tổng diện tích đảm bảo tưới từ công trình thủy lợi chỉ 75.639 ha. Như vậy, 169.332 ha sẽ bị thiếu nước trầm trọng.
"Để đối phó với việc thiếu nước, vụ Đông - Xuân khả năng cả tỉnh phải cắt giảm gần 1.100 ha diện tích trồng lúa", bà Hiền nói.
Nhiều hồ thủy lợi tại các huyện Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song (Đắk Nông) đang trong tình trạng trơ đáy, một số khác đang nằm dưới mực nước chết.
Gia Lai: 32.000 ha cây trồng thiếu nước
Theo Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Gia Lai, địa phương chỉ có 8/12 hồ chứa tích đủ nước, số còn lại thiếu nước nghiêm trọng. Điều này ảnh hưởng đến gần 32.000 ha cây trồng trên địa bàn.
Theo ông Hồ Sơn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cư Jút, khoảng 20 ngày tới nếu trời không mưa, hàng trăm hecta hoa màu, cây công nghiệp của địa phương sẽ mất trắng. Trong đó, khoảng 255 ha cà phê và tiêu tại hai xã Nam Dong và Tâm Thắng sẽ bị chết.
Còn tại hồ Đắk Ken, xã Đắk Lao (Đắk Song) có dung tích khoảng 1,5 triệu m3, phục vụ cho gần 2.000 ha cà phê nhưng đến thời điểm này rất nhiều hộ dân chưa tưới xong đợt một do nước đã cạn. Để cứu vườn nhiều hộ dân đã khoan giếng sâu hàng trăm mét nhưng vẫn không có nước.
Sông suối trơ đáy
Từ khi Nhà máy thủy điện Sêrêpốk 4A đi vào hoạt động đã chắn ngang dòng, khiến gần 20 km đoạn chảy qua các xã Ea Wer, Ea Huar và Krông Ana (huyện Buôn Đôn) luôn khô cạn làm ảnh hưởng đến khu du lịch sinh thái của địa phương.
Anh Nguyễn Quang (42 tuổi, du khách) cho biết, trước đây không khí mát mẻ dễ chịu, khung cảnh đẹp. Nhưng bây giờ, trời nắng nóng, cây cối chết khô, các thác nước cũng trơ đáy. “Gia đình đi vào du lịch, tránh nắng nhưng nước các dòng sông không còn, chắc không bao giờ trở lại”, anh Quang nói.
Nhiều con suối trong khu du lịch Thanh Hà bị trơ đáy. Ảnh: CTV |
Một lãnh đạo Trung tâm du lịch Buôn Đôn cho biết đã gần 3 năm nay, các sông suối chảy qua khu du lịch gần như khô cạn. Lượng du khách giảm rõ rệt so với các năm trước bởi thời tiết nắng nóng, nhiều cảnh quan tự nhiên đã bị phá hủy.
Còn tại khu du lịch Thanh Hà (buôn N’Drếch, Ea Huar, Buôn Đôn) ngay dưới đập thủy điện Sêrêpốk 4A, tình cảnh còn khó khăn hơn. Mặc dù thời điểm này lượng khách đến đây rất đông nhưng nhiều người cũng chỉ “dạo một vòng rồi về”.
Bà Lê Thị Thanh Hà - Giám đốc Công ty TNHH du lịch sinh thái Bản Đôn (đơn vị quản lý khu du lịch Thanh Hà) cho biết từ khi thủy điện Sêrêpốk 4A đưa vào hoạt động thì tình hình kinh doanh của đơn vị giảm 40-50%.
“Để cứu khu du lịch, đơn vị đã dùng đá, bao tải dẫn nước chảy qua khu cầu treo nhưng chỉ đủ để nuôi sống những cây si giữa dòng. Còn nước sông dưới cầu treo vẫn trơ đáy, khiến khách du lịch mất hứng thú”, bà Hà thông tin.
Hạn hán ở Tây Nguyên sẽ đạt kỷ lục
Ông Trần Trung Thành - Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, cho biết do mùa mưa năm 2015 kết thúc sớm hơn khoảng 20 ngày và lượng mưa chỉ đạt 60-70%, cộng với năm 2016, các tỉnh Tây nguyên chịu ảnh hưởng của El Nino nên từ tháng 3 - 4 hạn hán sẽ đạt kỷ lục như các năm 1998 và 2004.
Ngoài ra, 4 tháng nay Tây Nguyên không có mưa dẫn đến các hồ chứa nước khô cạn. Đầu tháng 3, Tây Nguyên bắt đầu vào mùa khô nên các cây cà phê, hồ tiêu sẽ thiếu nước nghiêm trọng nên dẫn đến thiệt hại nặng nề.